Chúng tôi có cơ duyên quen biết với thầy khi còn ở
Việt Nam, lúc đó chúng tôi thường gọi thầy là cao tăng. Mà quả như thế,
thầy cao thật, cao từ tướng mạo cho đến tư tưởng, cao từ những tác động
hưng khởi ở bên trong đến sự hành hoạt ở bên ngoài, cao từ nội giới đến
ngoại giới, cao từ trong lý tưởng đến giải thoát, cao từ phụng sự tha
nhân đến tinh thần giác ngộ. Hầu như tất cả những bộ môn nghệ thuật đều
có sự góp mặt của Thầy, từ văn chương, thi ca, hội hoạ, kiến trúc, âm
nhạc, nhiếp ảnh, tạc tượng, cắm hoa, non bộ, bonsai, sưu tầm cổ vật, đâu
đó đều có bàn tay khối óc và con tim của thầy tạo nên. Thầy đem đạo vào
đời xuyên qua con đường của nghệ thuật, và xử dụng sở trường nầy để
khai mở tâm thức, gieo hạt mầm giác ngộ đến với tha nhân. Thầy là nghệ
sỹ, nghệ nhân, thiền sư Thanh Trí Cao.
Trước khi là một nghệ sỹ, một nghệ nhân thầy là một
tăng sỹ, trước khi những tác phẩm nghệ thuật ra đời thầy là một thiền
sư. Dù đứng ở góc độ nào để nhận định, thì con người tài hoa đó, nghệ
nhân vượt trội đó, trước hết và trên hết vẫn là một thiền sư. Cả hai
lãnh vực đó được kết tụ trong cùng một con người, vì lẽ thiền còn được
kể như một bộ môn nghệ thuật siêu việt trong việc chuyển hóa tâm thức
trở nên tinh tường sáng tỏ "Kiến chiếu tự tánh" để đi đến giác ngộ mà
không gây nên sự xung đột, bế tắc, đổ vỡ nào.
Dấu Ấn Nghệ Thuật 2 được hình thành từ năng lực tu
tập, từ sự tư duy tác tạo, phụng sự, hiến dâng, tất cả đều nằm trong mỹ
học vi diệu của thiền, sống và thở cùng một nhịp, với thiên nhiên con
người, nên những ẩn mang, cốt cách, tàng chứa ấy đều được phủ vây bởi
chất thiền. Có sao thấy vậy, thấy sao chụp vậy, để nguyên như vậy, thể
hiện như vậy. Ở đó ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ mà là tiếng lòng,
thông điệp truyền trao, chất liệu của yêu thương, hương từ bi và trí
tuệ, gởi gắm tấm chân tình đến với tha nhân. Ở đó nghệ thuật không còn
là nghệ thuật mà là siêu nghệ thuật, trở thành biểu tượng bắt nhịp cho
sự bùng lên của giác ngộ, vượt thoát phủ trùm lên từng tâm cảnh.
Trong tác phẩm Dấu Ấn Nghệ Thuật 2, ngoài lãnh vực tư
tưởng, chứa đựng sự khám phá mới lạ, sự rộng mở của tâm thức trên từng
hiện thực, chúng tôi tâm đắc hai tuyển tập ảnh mang chủ đề "Ngôn Ngữ Hoa
Sen" và "Đời Sống Thiền Môn". Cả hai bộ ảnh đều đoạt giải thưởng quốc
tế, và riêng bộ ảnh "Ngôn Ngữ Hoa Sen" đoạt giải "Nhiếp ảnh gia hàng đầu
thế giới". Mỗi một bức ảnh là điểm chấm phá riêng, những đường nét lạ,
tạo thành sức sống liên kết giữa đối tượng và nhận thức, con người và
thiên nhiên trong sự hợp nhất. Trong hai tác phẩm vừa là hình ảnh, vừa
là tư tưởng với hai tiểu luận, đó là "Huyền Thoại Ngôn Ngữ Hoa Sen" và
cùng tên chủ đề với bộ ảnh "Đời Sống Thiền Môn". Thầy đúng là bậc thầy
của một số lãnh vực nghệ thuật, tất cả đều được kết tụ hình thành ở đó,
tại đó, nơi thiền môn Bảo Quang, cứ thế mà vươn lên che mát và làm tươi
đẹp cho đạo cho đời.
Trong bộ ảnh "Ngôn Ngữ Hoa Sen" thầy nắm bắt được
phút giây chuyển mình của thực tại, sự vươn lên, biến hiện, đổi thay đều
được thầy kéo lại, phơi bày, thể hiện một sức sống vô cùng linh hiện,
để chúng ta có dịp xúc tác, chạm vào cái giây phút huyền diệu đó. Thời
gian và không gian in dấu trên từng đường nét, sáng và tối hòa nhập với
nhau, nở và tàn, sinh diệt trộn lẫn vào nhau. Những giọt sương kết tụ
trên phiến lá, điểm tô thêm vẻ đẹp mong manh như thân phận của kiếp
người, chỉ một cơn gió vô tình lay động, thì hạt sương ấy rơi xuống vở
tung, nói lên sự có mặt của vô thường, thành, trụ, hoại, diệt, chi phối
tất cả, nhưng cũng là nguyên tố để bừng lên sức sống cho một hành trình
kế tiếp. Thầy đưa chúng ta đi từ sự nhiệm mầu nầy đến sự mầu nhiệm khác,
tâm thức đợi mong, cận kề, bổng trở mình thức dậy. Hoa sen không chỉ là
hình ảnh để ta ngắm nhìn, mà nó đang mĩm cười và còn biết nói, có ngôn
ngữ riêng "Ngôn ngữ hoa sen". Hoa sen còn là biểu tượng tuyệt vời của
Đạo Phật Việt, hoa sen mọc lên từ bùn, từ nơi tăm tối vươn lên trổi dậy,
mang vẻ đẹp thanh khiết, tỏa hương thơm ngọt ngào, và khi tàn phai đến
khi tái hiện cũng từ nơi ấy. Sống và chết cùng với bùn, nhưng không bị ô
nhiễm, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" sống ở trần mà không nhiễm
trần, sống với khổ đau nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, "cư trần lạc
đạo" bởi lẽ, từ nơi khổ đau mới cần sự giải thoát, phiền não chính là bồ
đề, tuy hai vấn đề nhưng cùng chung một khuôn mặt. Chỉ có thiền sư nghệ
nhân mới đủ năng lực tạo thành nét chấm phá lững lơ, chỉ ra những điều
kỳ diệu mà chúng ta không tự mình nhận ra được.
Bộ ảnh nghệ thuật về "Đời Sống Thiền Môn" được thầy
chụp trong dịp chư tôn đức Tăng Ni cùng tụ hội về chùa Bảo Quang để An
cư kiết hạ, trau dồi đạo hạnh, trang nghiêm thân tâm. Mỗi bức ảnh là một
thông điệp, lời kinh nhắc nhở, sự hồn nhiên vô tư của tuổi thơ, sự sinh
động tự tại của tuổi trẻ, sự thảnh thơi an lạc của tuổi già, vẫn ngày
đêm vươn cao lan tỏa sức sống. Sáng và tối, có với không, còn với mất,
đến và đi, sanh và tử, mê và ngộ, tạo thành bản hòa tấu vô tận lên cung
bậc tử sinh. Màu y vàng giải thoát, cánh cửa không môn rộng mở, sự an
lạc tỏa chiếu lên từng tâm cảnh, tạo thành năng lực nhiệm mầu, chuyển
hóa sinh, lão, bệnh, tử, thành giác ngộ an lạc, vượt thắng vô thường tìm
đến chân thường. Lời kinh tiếng mõ, pháp âm thi nhau vang vọng, từng
bước thiền hành niệm Phật, hòa nhập theo dòng thời gian và không gian về
nơi tịch lặng. Đi giữa tử sinh với vô thường réo gọi, mà vẫn thong dong
mĩm cười tự tại, sống với khổ đau, biến động nhưng tâm lúc nào cũng
tỉnh thức. Một khi tuệ giác hiển bày, nhận ra được chân lý cao cả, thì
đi với về, sinh với tử đồng một nghĩa, tất cả chỉ là sự dừng chân thăm
viếng, khi duyên hết tâm nhẹ, an nhiên ra đi về nơi vô sinh bất diệt,
không có khởi đầu và chung cuộc.
Dấu Ấn Nghệ Thuật 2, là sự bừng dậy của tâm cảnh, nối
kết của nghệ thuật, đi từ hiện thực đến phi thực, từ phi thực trở về
với hiện thực, một sự đến đi của không cùng vô tận. Cái giây phút bất
chợt đó, cái khoảnh khắc nhiệm mầu ấy, được thầy kéo xuống đem lại gần,
để chúng ta tự mình quán chiếu, chiêm nghiệm. Tấm lòng của thầy đã trãi
bày, năng lực kết tinh đã hiển lộ, chỉ cần chúng ta nâng mức độ cảm nhận
của mình lên cao, thì tâm cùng cảnh sẽ tỏ rạng. Thông thường chúng ta
chỉ xử dụng một vài giác quan để nhận biết, nhưng nếu muốn cảm nhận một
cách sâu xa trọn vẹn những tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân thiền sư
Thanh Trí Cao, chúng ta phải xử dụng đến cả sáu giác quan, và đánh thức
sáu giác quan của mình thức dậy trong sự rộng mở, chuyển hóa sáu căn
thành sự nhận biết, tự tánh của như thật.
Mắt, nhìn không đơn thuần để nhìn, mà phải quán chiếu
sự chuyển động vi tế của từng khởi diệt, cái nhìn không bị gò bó, bóp
méo, cái nhìn vượt thoát, thấu rõ của con mắt trí tuệ, chuyển thành năng
lượng, tương tác phổ cập lên từng hiện thực, một sự hòa nhập của tâm
cùng cảnh.
Tai, lắng nghe từng nhịp thở, những réo gọi của vô
thường, những xúc cảm uyên nguyên tràn về ngự trị, một sự liên kết vượt
ra ngoài thời không.
Mũi, cảm nhận trọn vẹn sự lan tỏa mênh mông của hương
thiền lẫn khuất trên từng in dấu, hương thơm tinh khiết của giải thoát,
phủ ngập ngay từ bây giờ cho đến tận mai sau không hề phai nhạt.
Lưỡi, nếm trãi hương vị của giác ngộ giải thoát, miệng nói lời ái ngữ chân thật phù hợp với chánh pháp.
Thân, xúc tác được cái phút giây tuyệt vời của sự
sống, không có sự biến động chen vào lôi kéo, không còn nhân ngã, thân
với tâm cùng hòa nhịp, chạm thẳng vào, không cần đến những tác động từ
bên ngoài.
Ý, chuyển hóa sự sai biệt của ý thức, vượt ra ngoài
năng sở, tâm cảnh, đối tượng và nhận thức, khám phá và tự mình trãi
nghiệm. Dấu Ấn Nghệ Thuật 2, thật đẹp, rộng, sâu, tuyệt vời, tự nó nói
lên tất cả.
Một tác phẩm nghệ thuật to nhất, lớn nhất, vượt ra
ngoài thời gian, lưu lại trong lòng mọi người, đó là công trình kiến
trúc ngôi chùa Bảo Quang, do bàn tay khối óc của thầy và của tất cả Phật
tử chúng ta, chung sức chung lòng tạo thành. Ước mong Trung Tâm Văn Hóa
Phật Giáo Chùa Bảo Quang mỗi ngày một thêm lớn mạnh, làm chổ nương tựa
an lạc, ấm cúng cho chúng ta và những thế hệ mai sau.
Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta vững tiến trên con đường đạo.
Như Hùng
No comments:
Post a Comment