Niệm hương trước bàn thờ tổ quốc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Buổi hội ngộ có các tiết mục vui nhộn, mang màu sắc quê hương vùng biển mặn, cùng những tập tục cổ truyền ngày Tết như chúc thọ, lì xì, và một chương trình văn nghệ mừng Xuân độc đáo với sự góp mặt của các ca sĩ Bình Thuận và thân hữu.
Trong nghi thức khai mạc, ban tổ chức mời Giáo Sư Monte Ung, ông Lê Huy Đức, và ông Lê Văn Thuận dâng hương trước bàn thờ tổ quốc.
Trong khi dâng hương, kỹ sư Tạ Trung đọc lời cầu nguyện. Bài văn khấn niệm hương có đoạn:
“Trời đất lành nơi ta đang ở,
Sao lòng mình gởi tận cố quốc xa,
Ôi! Nửa vòng trái đất,
Mà mịt mờ quê mẹ, quê cha.
Hơn 40 năm nơi quê người lưu lạc.
Tha thiết nguyện cầu dâng lời khấn vái…
Người nằm xuống cho quê hương, phơi thây nơi chiến địa
Để mưu cầu cho sông núi trường tồn.
Gương hy sinh muôn đời, sáng ngời trong sách sử.
Vì nước quên mình,
Công ơn ấy, mênh mông như biển rộng.
Nghĩa hy sinh, cao trọng tràn đầy,
Dân tộc này ghi nhớ, mãi đến nghìn thu.
Hỡi vong linh các bậc tiền nhân. Hỡi anh hồn chiến sĩ trận vong.
Hỡi Trường Sa anh hùng, Hoàng Sa bất khuất. Hỡi hương linh các anh hùng, chiến sĩ,
Đã liều thân bảo vệ đất tổ quê cha.
Hỡi những người đã bỏ thây trên mênh mông biển cả.
Trong rừng sâu núi thẳm, trong lao lý ngục tù,
Để mưu tìm hai chữ tự do.
Đây! Lời tâm huyết… Tha thiết nguyện cầu.
Hồn linh thiêng xin về đây hiển thị,
Chứng giám lòng thành, của người dân Bình Thuận hôm nay…”
Ông Võ Đăng Sâm, trưởng ban tổ chức buổi hội ngộ, có đôi lời phát biểu.Ông nói: “Trong không khí vui tươi mùa Xuân mới, xin tuyên bố khai mạc buổi hội ngộ Tân Niên 2017 Bình Thuận hôm nay, chào đón một năm mới an khang thịnh vượng. Xin chúc đồng hương nhiều sức khỏe, mọi sự đều mãn nguyện.”
Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Tạo, hội phó, chào mừng quan khách.
Ông nói: “Hôm nay chúng ta được gặp nhau, chào mừng một mùa Xuân mới sau 42 năm viễn xứ. Trước thềm năm mới, Hội Thân Hữu Bình Thuận cầu chúc quý vị và gia quyến hưởng một mùa Xuân dân tộc trọn vẹn.”
“Qua chiều dài năm tháng, chúng tôi mong rằng trong tương lai được sự hỗ trợ hơn nữa của qúy vị, nhất là thành phần trẻ tuổi, thế hệ tương lai, để hội chúng ta được tồn tại và vững mạnh hơn trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Năm nay, chủ đề của chúng ta là ‘Mùa Xuân Mừng Tuổi Mẹ,’ theo tục lệ cổ truyền, người Việt chúc thọ cha mẹ khi ngày Tết đến, chúng ta cũng mong rằng mẹ Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn trong nền hòa bình vĩnh cữu, đúng với câu sấm Trạng Trình ‘Thân Dậu niên lai kiến thái bình,’” ông Tạo nói tiếp.
Chúc thọ là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Trong tâm thức người Việt, gia đình nào có người tuổi thọ được xem là có phước lớn, nên mới sống được lâu, mừng thọ cũng là mừng cái phước ấy.
Năm nay, các vị cao niên trên 80 tuổi là điều hãnh diện cho con cháu. Mùa Xuân này đến với Hội Thân Hữu Bình Thuận, tuy không có những món quà sang trọng đáng giá, không sao sánh bằng tuổi thọ của Trời, nhưng với tấm lòng kính trọng quý vị cao niên, hội có món quà nhỏ mừng thọ đến các cụ.
Sau đó, ban tổ chức trao tặng những món quà chúc thọ đầu năm đến các cụ, kính chúc Trời thêm tuổi mới người thêm thọ, Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.
Ban văn nghệ cất lên bài “Happy Birthday” để chúc mừng các cụ có ngày sinh trong Tháng Hai này.
Đồng thời, con cháu của hội cũng lên nhận lì xì năm mới, cũng là nét văn hóa Việt cổ truyền, với lời chúc các cháu học hành giỏi giang, thành công trên đường học vấn trong tương lai, gìn giữ truyền thống hiếu thảo trong gia đình.
Phần văn nghệ do các ca sĩ trong hội thực hiện, mở đầu bằng nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng,” sáng tác Phạm Đình Chương, và tiếp nối với 16 tiết mục vui tươi hấp dẫn khác.Buổi hội ngộ có sự hiện diện của các vị cao niên, các hội đoàn bạn, thân hữu, các vị mạnh thường quân, cùng đồng hương Bình Thuận và con cháu, đặc biệt là các cựu học sinh trung học Phan Bội Châu của hai miền Nam, Bắc California.
Bình Thuận là một tỉnh ven biển phía Nam Việt Nam, có những địa điểm du lịch và văn hóa nổi tiếng như đồi cát Mũi Né, Bàu Trắng, hải đăng Kê Gà cao 100 mét, đặc biệt là Tháp Nước cao 32 mét do Hoàng Thân Lào Suphanuvong thiết kế, là một biểu tượng thời gian của thành phố Phan Thiết xưa, tượng Phật nằm lớn và dài nhất (49 mét) trên núi Tà Cú, những lễ hội dân gian như đua thuyền trên sông Cà Ty vào ngày mồng 2 Tết, lễ rước đèn Trung Thu, Lễ Hội Nghinh Ông (Quan Thánh Đế Quân) vào Tháng Bảy Âm Lịch năm chẵn.
Ngoài ra, Bình Thuận còn sản sinh những nhân vật nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Ngu Í, một ký giả lão thành trong báo giới miền Nam Việt Nam qua các bài phỏng vấn các tên tuổi lừng lẫy trước năm 1975. Lê Hương, nhà biên khảo lớn của miền Nam, với những bài biên khảo giá trị vượt thời gian. Trong làng âm nhạc, có đôi song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết, nhạc sĩ Dũng Chinh với nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim,” nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và nhiều nhân vật khác nữa.
Đặc biệt, Bình Thuận có trường trung học Phan Bội Châu, nơi xuất thân của những những nhân vật nổi tiếng trong xã hội trong nước cũng như hải ngoại.
Thành viên ban chấp hành cùng ban cố vấn Hội Thân Hữu Bình Thuận hiện nay đa số là cựu học sinh của trường, với tấm lòng quyết tâm xây dựng và vun quén hội ngày càng lớn mạnh, một hội thành lập hơn 20 năm nay, với gần 1,000 hội viên.
Mỗi dịp Xuân về có một lần hội ngộ đầu năm để chúc nhau điều tốt lành nhất, và họp mặt vào dịp Hè, để con cháu Bình Thuận có dịp vui chơi gặp gỡ, gắn kết tình thân và cũng là dịp hàn huyên tâm sự của hội viên.
Người Việt Online
No comments:
Post a Comment