Wednesday, July 26, 2017

Cựu Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ-Gia Long Nam California, một gia đình toàn cao niên

Gia Đình Cựu Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ-Gia Long Nam California, một gia đình 63 năm khắng khít. Hình: Đằng-Giao/Người Việt) 

WESTMINSTER, California (NV) – Lúc 10 giờ 30 sáng Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy, Gia Đình Cựu Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ-Gia Long Nam California tổ chức họp mặt Hè 2017 tại hội trường Việt Báo, Westminster.
Ông Nguyễn Thái Hanh, chủ tịch Gia Đình, nói: “Chúng tôi đã hai lần thoát chết để được gặp nhau hôm nay. Nếu ai không nhận thức được may mắn này thì thật uổng.”
Ông Hanh nói rằng lần thứ nhất các ông thoát chết là lúc di cư vào Nam năm 1954, và lần thứ nhì là khi vượt biên sang bên này. Và phải nhận được như thế thì mọi người trong hội mới biết mình may mắn đến dường nào.
“Năm nay tôi 81 tuổi, đã đến tuổi hạc rồi mà còn được nhìn thấy anh em bạn bè từ thời còn nhỏ cùng quây quần bên nhau như ngày nào, tôi rất quí trọng điều này,” ông chia sẻ.
Ông Hanh cho biết cấp bậc sau cùng của ông là thiếu tá, ngành cảnh sát quốc gia và từng là giảng viên Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia thời VNCH. Trước đó, ông tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân báo chí.
Định cư tại Mỹ năm 1975, ông Hanh từng viết sách hướng dẫn hàng ngàn đồng hương thi vào bưu điện Mỹ.
Phần đông những hội viên có mặt là cựu học sinh trung học Chu Văn An, niên khóa 52-57, người trẻ nhất cũng khoảng 75 tuổi. “Vậy đó, đã là ông nội, ông ngoại cả rồi, nhưng khi gặp nhau, chúng tôi vẫn quen miệng ‘mày, tao’ rất thân mật,” ông Trần Hữu Liêm nói.

Râm ran nhắc nhở chuyện xưa trong ngày họp mặt
cựu Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ-Gia Long
Nam California.
(Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Với ông, đã là anh em với nhau từ thuở hàn vi thì là anh em với nhau trọn đời. Có những kỷ niệm không thể nào phai nhòa được. Ông nhớ từng người với những biệt danh từ ngày đó.“ Này nhé, Hàm Lõ, Chân Đen, Chắt Lỏi, Hữu Lùn, Nam So, Diệu Đen, Nghi Xoăn. Tôi thì là Liêm Tề,” ông Liêm kể.
Nhắc lại kỷ niệm xưa, ông Nguyễn Huy Hiền không thể quên được lần một người bị thầy giám thị khiển trách trước mặt mọi người vì ăn mặc quần áo lòe loẹt mà thời ấy gọi là “chim cò.” Một kỷ niệm nữa ông không quên là phải nhớ giờ ăn. “Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, tôi phải có mặt đúng giờ ăn. Trễ là nhịn đói nên tôi rất cẩn thận,” ông tâm sự.
Nhiều người còn nhớ như in âm thanh rổn rảng vừa tinh nghịch, vừa nhộn nhịp mỗi bữa ăn khi toàn thể đồng loạt dùng muỗng nhôm gõ vào cái dĩa nhôm trên đường xuống phòng ăn.
Một điều rất đáng hãnh diện của Gia Đình Cựu Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ-Gia Long Nam California là, dù tất cả còn rất trẻ, lại phải thất lạc gia đình khi di cư vào Nam, nhưng họ đã có những đóng góp đáng kể vào đời sống trong thời VNCH, từ dân sự đến quân đội.
Ông Nguyễn Ngọc Hoán, tổng thư ký, nói: “Có những người tên tuổi không xa lạ trong cộng đồng người Việt tị nạn tại miền Nam California như như anh Nguyễn Quốc Súy, cựu chánh án Đà Nẵng; Giáo Sư Lê Chính Long; và các nhà báo Trọng Minh, Đỗ Tiến Đức, Lê Quý An, nhà văn Viên Linh…”
Ông Phạm Văn Hàm, cựu tham mưu trưởng Hải Quân, đóng góp: “Khóa 13 Đà Lạt có ông Đoàn Trọng Cảo, là bố vợ ông Tạ Đức Trí, thị trưởng Westminster, rồi ông Nguyễn Cao Vực, trung tá tiểu đoàn trưởng Pháo Binh.”
Một hội viên được rất nhiều người đến hỏi thăm về “ông cháu đặc biệt” là ông Lê Xuân Vũ, cậu ruột Chuẩn Tướng Mỹ Lương Xuân Việt.
Tất cả, không ai quên được công ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Dương Đôn thiết lập trại Phú Thọ ở góc đường Lê Đại Hành làm chỗ cho các ông trú ngụ và dồn một số người ở khu Gia Long về ở chung.
Lúc đầu, trại Phú Thọ chỉ gồm các căn nhà mái tôn ở khu Chợ Thiếc, còn gọi là “Phú Thọ Lều,” gần trường đua Phú Thọ, và trại Gia Long ở gần khu đất Khám Lớn bỏ hoang thời bấy giờ, sau là nơi xây dựng trường Đại Học Văn Khoa.
Khi đất nước bị chia đôi vào ngày 20 Tháng Bảy, 1954, trong hơn một triệu người dân di cư từ Bắc vào Nam, một số học sinh thất lạc gia đình, không người thân thiết, được chính quyền đón nhận và trợ cấp cho trú ngụ tại đây.
Ngoài số hội viên là cựu học sinh Chu Văn An, còn có cả những cựu học sinh Trần Lục, Nguyễn Trãi, và Hồ Ngọc Cẩn nữa.
Ông Hoán nói với giọng tự hào: “Nhớ lần nằm trong tại tù cải tạo ở miền Bắc, một anh bạn khoe rằng Thiếu Sinh Quân của anh ấy rất thành công, tôi nói với anh ấy, ‘Các anh còn có người buộc phải tuân theo kỷ luật, tối ngủ, sáng thức còn có kẻng chứ chúng tôi, hoàn toàn là do tự biết lo cho thân mình mà vẫn thành công như ai vậy.’”
 Đằng-Giao/Người Việt

No comments:

Post a Comment