Monday, June 10, 2019

BÌNH THUẬN NHỮNG THÁNG NGÀY KHÓ QUÊN - Huỳnh Văn Quý

Huỳnh Văn Quý
Cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 249/ĐP/TK Bình Thuận
Cuộc chiến tuy đã kết thúc 36 năm, nhưng tâm tư của người lính trận đôi khi chợt nhớ về chiến trường xưa mà lòng vẫn thấy nghẹn ngào, uất hận và xót xa. Hối hận vì đồng minh đã phản bội, bỏ rơi, bán đứng, để ta thua một trận chiến bởi một kẻ thù không hơn về tài trí và khả năng chiến đấu. Chúng ta thua cuộc vì kẻ thù gian manh, lật lọng, xảo quyệt, dối trá và cũng từ đó xót xa cho thân phận của người chiến bại, phải chịu nhiều tủi nhục tù đày khổ ải trong các trại tù lao cải, cam chịu làm kẻ ly hương, viễn xứ khắp nơi trên thế giới, bỏ lại quê hương, họ hàng thân thuộc, mồ mả tổ tiên, cùng bỏ lại bao nhiêu chiến hữu của mình đang khốn khổ, quằn quại dưới gông cùm Cộng sản còn ở lại quê nhà.
Ðại hội Ân Tình lần thứ 5 của Bình Thuận, sẽ được tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood Nam California USA, vào chiều Chủ Nhật 26/6/2011 với chủ đề “Tình Chiến Hữu“ “Tình Quê Hương“ có nhã ý nhắc nhở nhau dù ở phương trời nào, hoàn cảnh nào chúng ta vẫn phải luôn nhớ tình đồng đội như ngày nào còn đang tại ngũ.
Ðại hội cũng tạo một cơ hội để đồng hương hội ngộ tâm tình, cùng nhau thắp một nén hương tưởng niệm đồng bào và chiến hữu đã hy sinh trong cuộc chiến chính nghĩa và cùng nhau quyên góp chút quà tình nghĩa để gởi về sưởi ấm cho các anh em thương phế binh, các chị quả phụ tại quê nhà.
Cũng trong tinh thần đó, hôm nay tôi muốn ghi lại đôi dòng về những kỷ niệm trong chặng đường mà các chiến hữu năm nào đã cùng tôi sống và chiến đấu tại Bình Thuận, chịu dãi nắng dầm mưa, tham dự bao nhiêu cuộc hành quân diệt địch, trải dài khắp bảy Quận từ Nam Bình Thuận ra Bắc Bình Thuận, qua các mật khu Kim Bình, Tà Cú, Ba Hòn (Quận Hàm Thuận) về Tam Giác Sắt, Ðăng Gia, Núi Bành, Núi Kính (Thiện Giáo) qua mật Khu Lê Hồng Phong, Bàu Me, Bàu Tàn, Bàu Trắng, Hòn Rơm (Hải Long) vào tận căn cứ Nam Sơn, Mây Tàu, Sông Mao, ra Vĩnh Hảo, Núi Nhọn, núi Ðá Chẹt Cà Ná (Tuy Phong). Cho đến các cuộc Hành Quân Bình Ðịnh an ninh bảo vệ lãnh thổ Xã Ấp, giữ đồn bót và trục lộ giao thông trên QL1. Những ngày nắng cháy đầy cát bụi trên Nông Trường Sao Ðỏ tại Bình Tú. Những giờ phút vào sinh ra tử trong Tết Mậu Thân ở đồn Trinh Tường hoặc trong Thị xã Phan Thiết cho đến trận tái chiếm lại Xã Phú Long vào những ngày cuối của cuộc chiến đã để lại một thành tích anh dũng quyết thắng cho người chiến sĩ ÐPQ Bình Thuận dám ngẩng cao đầu mà không hổ thẹn với các đơn vị bạn Người lính ÐPQ Bình Thuận dám tự hào xứng đáng là đứa con yêu của QLVNCH. Làm sao nói hết và làm sao quên được những ngày nhiều kỷ niệm hào hùng đầy tình chiến hữu ấy, đó là điểm son của người quân nhân Bình Thuận.
Tôi cũng muốn ghi lại đôi nét để vinh danh những chiến hữu đã sinh ra và trưởng thành tại Bình Thuận cũng như những người con ưu tú từ mọi miền đất nước về chiến đấu chung vai sát cánh cùng con dân Bình Thuận và đã hy sinh vì Tổ quốc, nằm xuống yên nghỉ trên mảnh đất này hoặc đã hy sinh một phần thân thể để bảo vệ chính nghĩa Quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ Miền Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Sau ngày 30-4-75, Dân, Quân, Cán, Chính, Bình Thuận vô cùng ngỡ ngàng và bàng hoàng lẫn uất hận khi biết được tên đầu Tỉnh Bình Thuận Trung tá Ðinh Văn Ðệ là Cộng sản nằm vùng. Suốt trong thời gian tại chức từ năm 1965 -1967, Ðệ đã ngầm ra lệnh cho đàn em Cộng sản của y sát hại không biết bao nhiêu đồng bào vô tội và Quân, Cán, Chính, Bình Thuận để lập công dâng lên Bác và Ðảng qua nhiều hình thức khác nhau.
Tôi nghĩ đây là một sơ hở yếu kém của Cục an ninh tình báo VNCH (Cảnh sát lẫn Quân đội) nên mới để lọt lưới một tên Việt Cộng chính hiệu đội lớp Quốc gia để giữ các chức vụ quan trọng như Thị trưởng Ðà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Ðức và Tỉnh trưởng Bình Thuận thay cho Ðại tá Ðàm Văn Quý năm 1965. Sau khi đã lập được nhiều chiến công cho Hà Nội tại Bình Thuận. Ðệ muốn được bước lên một nấc thang cao hơn là ra ứng cử làm Dân biểu hạ viện. Năm 1967 Ðệ đắc cử làm Dân Biểu hạ viện rồi làm Phó Chủ tịch hạ viện. Với chức vụ cuối cùng là Chủ tịch ủy ban Quốc phòng thuộc hạ viện. Ðệ được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin dùng. Giả sử như Ðệ còn tại chức ở Bình Thuận cho hết năm 1967 qua Tết Mậu Thân năm 1968 thì liệu Bình Thuận có bị mất vào tay Cộng sản không ? Dân Quân Bình Thuận có bị sát hại tập thể như tại Thừa Thiên Huế không ? Có lẽ đây là ơn đức Tổ tiên Bình Thuận hộ trì con cháu nên đã tống khứ một tên Cộng sản khát máu ra khỏi Tỉnh Bình Thuận chăng.
Ngược dòng thời gian nhìn lại Bình Thuận vào những năm lúc Ðệ làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bình Thuận ta mới thấy tình hình an ninh Bình Thuận quả thật tồi tệ so với các đời Tỉnh trưởng trong nền Ðệ nhất và Ðệ nhị Cộng hòa. Lúc bấy giờ đường QL1 trong phạm vi trách nhiệm của Tỉnh bị VC đấp mô chận đường thu thuế, bắt dân công, bắt Quân, dân, Cán, Chính nhiều nơi như cây số 25 thuộc Quận Hàm Thuận, Long Phú, Bàu Ốc, Bàu Sen ở Quận Thiện Giáo, Cầu Quẹo Quận Hòa Ða, Dốc Cúng và Ðá Chẹt gần Cà Ná thuộc Tuy Phong. Ðường Tỉnh lộ 8 từ Phan Thiết tới Thiện Giáo thì đầy mìn, hầu như ngày nào cũng có mìn nổ xe Lam, xe Ðò, Trâu Bò, làm tử thương nhiều đồng bào vô tội. Xã Ấp thì ngày Quốc gia đêm thì VC, người dân một cổ hai tròng thật khổ sở lầm than. Lực lượng quân sự trong Tỉnh thường hay bị phục kích chận đánh bất thần trong các lần mở đường để tiếp tế cho các Quận Bắc Bình Thuận. Các đơn vị lưu động và đồn bót Quận Huyện cũng bị đich tập kích tấn công gây cho ta nhiều tổn thất đáng kể về nhân mạng và vũ khí đạn dược. Cao điểm nhất là năm 1966, điển hình là đoàn Convoy của Ðại đội hành chánh Trung tâm Tiếp vận Bình Thuận bị phục kích tại Bàu Sen, Bàu Ốc (Lãnh thổ Thiện Giáo) trong chuyến tiếp tế cho các Quận Bác Bình Thuận. Ta tổn thất nặng nề về nhân mạng, đạn dược và vũ khí và lương thực bị địch cướp sạch . Ðại úy Xe Quận trưởng Hàm Thuận ban đêm nằm ấp bị ám sát tại Ðai Tài (gần vòng đai Thị Xã Phan Thiết). Ngày 15-10-1966 Quận Thiện Giáo bị địch tấn công chiếm gần hai phần ba Quận đường làm Ðại úy quận trưởng bị thương nặng, may nhờ tải thương kịp thời lên pháo đài làm từ thời Pháp rất kiên cố nên còn sống. Riêng Thiếu úy Thành Ban 2 Chi khu, Chuẩn úy Ngọ ban 3 Chi khu bị tử thương cùng với Chuẩn úy Cầu Ðại đội phó Ðại đội 888 / ÐPQ của Th/úy Thổ Thêm. Trung úy Duy người Phan Rang đang làm Ðại đội trưởng ÐÐ 445/ÐPQ tại Tuy Phong thuyên chuyển về Nam Bình Thuận chưa được một tháng cũng bị phục kích chết làm ÐÐ này bị thiệt hại nặng ở vùng Bình An Quận Thiện Giáo. Tình hình bất an như vậy nên bắt người lính chiến Bình Thuận phải gánh lên vai một sức nặng và chịu nhiều mất mát và hy sinh một cách tức tưởi, oan uổng thiệt thòi cho bản thân và gia đình họ. Trận đánh làm tôi ám ảnh và nhớ mãi là trận đánh tại vùng Ðại Tài, Ðại Thiện, chỉ cách cổng Ðại Tài Thị xã Phan Thiết khoảng một cây số, làm Ðại đội 953/ÐPQ hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn cùng với đoàn Cán bộ Xây dựng Nông thôn. Trong trận đánh này Ðại úy Khanh người Huế là Chi khu phó Tuy Phong thuyên chuyển làm Yếu khu trưởng Yếu khu Phú Ðại mới thành lập tại đồn Bàu Da bị tử thương cùng với Th/úy Huỳnh Ðức quê ở Mũi Né là Ðại đội trưởng ÐÐ 2/953/ÐPQ vừa tăng cường hành quân ở Quận Tuy Phong cùng điều về Nam một lần với Tr/úy Duy và Ðại úy Khanh. Riêng Th/uy Á người Sài Gòn làm Ðại đội phó bị thương nặng nhờ giả chết nên thoát nạn . Một tuần lễ sau đó trong một chuyến đi công tác từ Quận Tuy Phong về Phan Thiết tôi mới có dịp lên Quân y viện Ðoàn Mạnh Hoạch thăm Th/úy Á thì được Á tường thuật về trận đánh làm tôi rất xao xuyến xót xa và tràn đầy uất hận. Ðiều đáng nói ở đây trong trận đánh này là khi Ðại đội 2/953/ÐPQ và Ðoàn Cán bộ XDNT bị địch bao vây tấn công, Ðại đội xin yểm trợ và tiếp viện không được, mặc dù lúc đó các đơn vị bạn ở chung quanh sẵn sàng tiếp ứng như Chi đoàn Thiết vận xa M113 đóng tại đồn Trinh Tường với Ðại đội tùng thiết xin tham chiến cùng với Ðại đội 2/127/ÐPQ của Chi khu Hàm Thuận nóng lòng đã vượt qua sông Cà Ty đến Ga Phú Hội sẵn sàng tiếp viện cho đơn vị bạn, nhưng phòng 3 Tiểu khu cứ bảo chờ lệnh để đến khi Cộng quân lục soát bắn bồi từng người một đang bị thương tại mặt trận mà chúng không kể gì đến quy luật về chiến tranh. Sau khi địch tịch thu vũ khí và bắt các quân nhân, CBXDNT còn sống sót rút lui thì Tiểu khu mới cho đơn vị bạn vào để lượm xác thu dọn chiến trường, cứu được số ít binh sĩ giả chết còn sót lại, hoặc trốn trong nhà dân.
Ðiều này làm tôi và Á nghi ngờ Phòng 3 Tiểu khu hoặc Tham mưu trưởng có nội tuyến, nhưng thật không ngờ sau này mới biết Ðinh Văn Ðệ là thủ phạm. Ðại úy Khanh bị địch bắn bồi và đâm nhiều nhát ở nách, Th/úy Ðức bị bắn bồi bể mất cằm chỉ còn mũi và mắt. Ðức chết để lại bà mẹ già và người em trai đang phục vụ trong binh chủng TQLC cùng cô em gái út Huỳnh Thị Minh Tâm với một vợ đang mang thai gần ngày sinh và một đứa con gái nhỏ 3 tuổi .
Em gái Ðức sau này kết hôn cùng Ðại úy Võ Văn Năm quê ở Vĩnh Long, từng là Trưởng ban 2 Chi khu Tuy Phong, Hải Long, Thiện Giáo, sau đó chuyển về Tiểu khu Bình Tuy và bị mất tích tại Quận Hoài Ðức tháng 3/75 để lại một vợ cùng 4 con nhỏ. Chị Tâm chưa nhận được đồng lương mất tích của chồng thì đến ngày mất nước 30-4-75.
Một gia đình như gia đình cố Tr/úy Huỳnh Ðức đã chịu bao nhiêu sự mất mát tan thương, mẹ mất con, em mất anh, vợ mất chồng, con mất cha, một gia đình đã có hai người quả phụ. Tội lỗi đó ai gây ra ? Ðây chỉ là một gia đình tiêu biểu cho hằng trăm ngàn gia đình Việt Nam khác phải gánh chịu có thể còn nhiều tang thương hơn nữa. Cuối cùng người mẹ, người vợ, người đàn bà Việt Nam, người Quả phụ Việt Nam phải đè nén đau thương, ra sức cố gắng làm việc thay chồng để nuôi dạy con cái nên người. Ôi thật đáng tôn vinh và kính phục người phụ nữ Việt Nam.
Mặc dù Bình Thuận đã trải qua những giờ phút thập tử nhất sanh, nhưng Quân, Cán, Chánh Bình Thuận vẫn tin tưởng vào đường lối Chính nghĩa quốc gia, nên luôn giữ vững lập trường, giữ vững tay súng chiến đấu. Mặc dù Ðệ đã để lại nhiều cơ sở nội thành ở các phòng ban trong Tiểu khu, nhưng trong Tết Mậu Thân 1968, địch vẫn thất bại nặng nề. Mặc dù Thị xã Phan Thiết có đổ nát, thiệt hại về vật chất và gây tử vong cho nhiều đồng bào vô tội, nhưng Quân, Cán, Chính Bình Thuận quyết lòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng lại Thị xã, ổn định đời sống nhân dân từng bước.
Rồi Bình Thuận lại thay da đổi thịt nhanh chóng khi đón nhận cấp chỉ huy đầu Tỉnh mới có nhiều năng lực, biết yêu dân, đối xử với thuộc cấp trong tình huynh đệ chi binh. Do đó Quân, Cán, Chính Bình Thuận càng tin tưởng cùng đoàn kết một lòng xây dựng và chiến đấu càng hữu hiệu, từ thế thủ sang tấn công, đã đánh đuổi địch rút sâu vào các mật khu của chúng. Bình Thuận thật an cư lạc nghiệp trong những năm Ðại tá Ngô Tấn Nghĩa làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bình Thuận và Ông Phạm Ngọc Cửu làm Phó Tỉnh trưởng.
Nếu vinh danh các chiến hữu sinh quán tại Bình Thuận hoặc các chiến hữu khắp mọi miền đất nước, vì nhiệm vụ của người trai trong thời loạn đã đóng góp xương máu của mình để bảo vệ an ninh và xây dựng được một bình Thuận được ổn định mà không nhắc đến những người con gốc Bình Thuận cũng vì bổn phận mà đi chiến đấu khắp 4 vùng chiến thuật trong mọi quân binh chủng của QLVNCH đã lập được nhiều thành tích hiển hách góp phần tô điểm thêm chiến công cho quân sử VNCH thì quả là một thiếu sót.
Người mà trong phạm vi bài viết này hôm nay tôi muốn nhắc đến để tiêu biểu cho hằng vạn chiến hữu Bình Thuận khác cũng đã đóng góp cho sự nghiệp chung mà ít ai biết đến họ, chiến hữu mà tôi muốn nói đó là cựu Ðại úy Trác Ngọc Anh.
Trác Ngọc Anh sinh và trưởng thành tại Xã Phú Long, Thiện Giáo, Cựu học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1961 – 1967. Tốt nghiệp khóa 4/69 tại trường Bộ Binh Thủ Ðức vào tháng 1/70. Tháng 4/70 Ngọc Anh về phục vụ tại Biệt đội Quân báo thuộc Quân Ðoàn II. Vì nhu cầu chiến trường một ngày một giao động đưới áp lực cộng quân gia tăng cường độ đánh phá dữ dội kể từ năm 1971 trở về sau này, thì nhiệm vụ của Biệt đội Quân báo lại càng nặng nề hơn. Hằng ngày với hai phi cơ thám sát trực tiếp dành cho phòng 2 Quân Ðoàn mà Ngọc Anh và các chiến hữu đồng nghiệp có nhiệm vụ thì các toán Viễn thám Trinh sát của Sư Ðoàn 22, 23 BB theo nhu cầu trực tiếp của phòng 2 Quân đoàn II. Một nhiệm vụ khác nữa là thám sát theo dõi kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh chạy dài từ Nam Bình nguyên Boloven (Nam Lào) Attopeu dọc về phía nam (ngoài biên giới) xuống phía Tây Buprang (Quảng Ðức) giáp phía Bắc Tỉnh Phước Long thuộc Quân Ðoàn III nên đã phát giác nhiều cuộc chuyển quân đưa người và vũ khí đạn dược xâm nhập từ Bắc vào Nam của Cộng sản, cũng như ghi nhận được nhiều vị trí đóng quân, bãi đậu xe, các kho dự trữ, các bồn chứa xăng và ống dẫn dầu chạy dài dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh của Cộng sản xâm lược. Nhờ vậy mà Quân Ðoàn II đã gây cho đối phương nhiều thiệt hại nặng nề. Chiến công đó thuộc Biệt đội Quân báo mà Ngọc Anh đã phục vụ mang về cho phòng 2 Quân đoàn II nhiều loại huy chương cao quý và các cá nhân được thăng thưởng xứng đáng, điển hình là Thiếu tá Trịnh Tiếu, Năm 1970 về làm Trưởng phòng 2/ Quân đoàn II đến năm 1975 được vinh thăng Ðại tá.
“Ðại tá Ngô Tấn Nghĩa làm Trưởng phòng 2 / Quân đoàn II đến cuối năm 1969 về làm Tỉnh trưởng Bình Thuận, Thiếu tá Hòa tạm thời Xử lý thường vụ . Năm 1970 Thiếu tá Trịnh Tiếu về làm Trưởng phòng 2 Quân đoàn II cho đến năm 1975“. Ðặc biệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 14 -1-75 Trác Ngọc Anh đang thi hành nhiệm vụ hằng ngày thì phát hiện một đoàn xe của Cộng sản Bắc Việt tại Nam Attopeu Lào (Tây Bắc Kontum) khoảng 300 xe đang di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh. Phòng 2 Quân đoàn II sau khi nhận được tin tức do Ngọc Anh báo về, lập tức cuộc oanh kích vào mục tiêu do Quân đoàn II phối hợp và điều động có tất cả 101 Phi tuần gồm A 37 và F5 do Không quân từ Phi trường Nha Trang, Biên Hòa, Phù Cát, Phan Rang, Ðà Nẵng thực hiện suốt 5 giờ đồng hồ. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày thì đoàn xe nói trên bị tiêu hủy khoảng 200 xe được ghi nhận . Sau khi phối kiểm tin tức được biết đó là Sư đoàn 968 của Cộng sản Bắc Việt từ Nam Lào di chuyển về dự định tham gia mặt trận Tây nguyên cùng với các Sư đoàn 320, 316, 330, F10 cùng nhiều đơn vị yểm trợ khác như Pháo bịnh, Xe tăng và Ðặc công mà sau này ta ghi nhận sau trận đánh Ban Mê Thuột, nhưng chúng đã bất khiển dụng sau ngày 14-1-1975. Cũng trong ngày đó Ngọc Anh được vinh thăng Ðại úy thực thụ đặc cách tại mặt trận.
Sau khi Ban Mê Thuột mất ngày 14-3-1975, Trác Ngọc anh tình nguyện nhảy vào Ban Mê Thuột cùng với Ðại tá Trịnh Tiếu và Trung đoàn 45 của Sư đoàn 23BB do Ðại tá Quang chỉ huy từ Pleiku xuống Phước An để tái chiếm lại Ban Mê Thuột. Ngày 16-3-75 Ngọc Anh bị thương tại Khánh Dương, cuối cùng Ngọc Anh cũng vào tù chịu chung số phận như hầu hết Quận Cán, Chính VNCH sau ngày 30-4-75.
Tôi gặp Ngọc Anh cùng tập trung ngày đầu tiên tại trường Marie Curie Sài Gòn. Chúng tôi bị chuyển qua các trại Hóc Môn Long Giao, Suối Máu Biên Hòa, Trại năm Hoàng Liên Sơn Yên Bái, Trại Ba, Trại Hai Ðói, trại Hai No sau cùng chúng tôi bị chuyển về trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa. Tại đây tham gia cùng các tù nhân khác chống đối lao động nên đã bị kỷ luật suốt 2 năm 3 tháng đến tháng 3-1982 trại chuyển 100 tù nhân về Z30A Xuân Lộc Ðồng Nai trong đó có Ngọc Anh, riêng tôi còn ở lại Thanh Cẩm. Cuối năm 1984 Ngọc Anh được phóng thích. Trong thời gian trong tù Ngọc Anh luôn giữ vững tinh thần Quốc gia bất khuất rất xứng đáng là một chiến sĩ của QLVNCH, người con yêu của quê hương Bình Thuận. Sau khi được thả về Sài Gòn, Ngọc Anh nhứt quyết không sống dưới chế độ độc tài Cộng sản nên đã tìm đường vượt biên, tổng số 11 lần mới thoát được trong đó có hai lần bị bắt lại rồi trốn vượt trại. Cuối cùng Ngọc Anh đã đến được bến bờ tự do vào năm 1986 tại thành phố Boston Tiểu bang Masschusetts từ đó đến nay.
Nhắc đến Bình Thuận không phải để chúng ta luyến tiếc một quá khứ với nhiều quyền lực, cũng không phải muốn phục hồi địa vị giành quyền lãnh đạo như nhà cầm quyền Cộng sản và bọn tay sai xuyên tạc chụp mũ thường gán ghép, mà đúng hơn là để nói lên nỗi lòng của những người con ly hương ở Hải ngoại, luôn nhớ về quê mẹ, nơi mà mình sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy làm người biết nhớ ơn tiền nhân đã dày công dựng nước và giữ nước mà Bình Thuận là một bộ phận của dãy non sông đáng tự hào này.
Nhắc lại quá khứ đã qua với những sự kiện lịch sử đầy hào hùng lẫn chia sót cũng là để nhắc nhở thế hệ hậu duệ biết rõ sự thật lịch sử khác với sự xuyên tạc bóp méo của kẻ thù Cộng sản để từ đó can đảm dấn thân, dám nhận lãnh trách nhiệm tiếp tục con đường chiến đấu mà anh chị còn dang dở trong sự nghiệp quang phục quê hương, đem lại tự do Dân chủ Nhân quyền cho toàn dân . Xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng để sánh vai ngang hàng với các nước tiên tiến trên Thế giới . Ðó chính là ước mơ, là nguyện vọng, là hoài bão của mọi người con yêu của nước Việt.
Boston ngày 2-1 2011
Huỳnh Văn Quý

No comments:

Post a Comment