Wednesday, February 10, 2016

Happy New Year BingShen, Phạm Sanh


Năm Thân, không nói chuyện khỉ, thì đúng là đồ “dả” nhân giả nghĩa thứ thiệt… Nói vậy chứ các Bạn chỉ nên liếc sơ qua truyện này sau ngày cúng tất, đưa hết Ông Bà về lại cỏi xa xăm nào đó. Sợ mấy ổng bả ghiền internet lén đọc, quên cả đường về.

    Thửa nhỏ, mê truyện Tề Thiên Đại Thánh, xem tới xem lui, nhớ từng hồi, nhớ còn hơn nhớ tên các nhân vật nữ trong các truyện kiếm hiệp Kim Dung. Nhớ từ khi còn là chú khỉ con từ trong đá nứt chun ra, đến lúc được các đệ tử khen nịnh ai đẹp bằng Mĩ Hầu Vương, tầm sư học đạo được sư phụ Tu Bồ Đề đặt tên Tôn Ngộ Không (con khỉ giác ngộ được tính không), bị Ngọc Hoàng dụ phong chức Bật Mã Ôn sau khi đại náo Long cung và Âm phủ, rồi ép Ngọc Hoàng phong tước “Thánh lớn bằng trời” (tên do tay đàn em Độc Giác quỷ vương nghĩ ra), rồi Phật tổ Như lai bày trò thi nhảy cao để Tề Thiên bị đè tại Ngũ Hành Sơn chờ Tam Tạng đi thỉnh kinh xứ Tây phương ngang qua giải thoát, lại theo giúp sư phụ trong kiếp tu hành mang tên Tôn Hành Giả cùng Trư Bát Giới, Sa Tăng và Long Mã, đánh hết con yêu này đến con tinh khác, để rồi sau khi tới nơi thỉnh kinh xong được Phật Tổ hóa thành Đấu Chiến Thắng Phật , hết truyện.  
Nhân vật và nội dung cốt truyện Tây Du Ký đến nay không hề lạc hậu, thậm chí còn phản chiếu rõ nét bộ mặt biến hóa đa dạng các chế độ xã hội đương đại. Chỗ nào trên đường đi cũng gặp yêu tinh lủ khủ, như Hoàng Phong quái, Kim trì trưởng lão, Hắc Hùng tinh, Bạch Cốt Tinh, Tây Lương nữ quốc, Châu Tử quốc, sông Thông Thiên, Liên Hoa động,  Bàn Tơ động, đại chiến Hồng Hài Nhi, Báo tử tinh, qua Hỏa Diệm Sơn, Hoàng Sư tinh, thu Ngọc Thố, nạn Tôn Ngộ Không thật giả…. Yêu quái nào cũng ham ăn thịt Đường Tăng để trường thọ, đứa nào cũng có sức mạnh hơn người, nếu không bửu bối phép màu ghê gớm như các liveshow, thì cũng là sắc đẹp hấp dẫn mê muội chết người (người tu hành cũng mệt, các bạn nên xem thêm phim Tây Du Ký để nhìn rõ các người đẹp liêu trai Trung Quốc). Nét chung về lũ tiểu yêu, ai cũng có các sư phụ chốn thiên đình bảo kê dựa hơi dựa lưng, các vị này luôn ra mặt kịp thời, bảo lãnh dẫn độ đệ tử về lại cỏi Trời, mỗi khi Tề Thiên giơ cao cây thước bảng sắp đập chết bọn yêu quái đưa chúng về cỏi âm ty (nghe nói cây thước này trộm của Long vương, nặng đến 8,1 tấn).
Hối lộ tham nhũng đến mọi hang cùng ngõ ngách, không tha cả xứ nhà Phật. Đến cuối đường hết truyện , ngài Huyền Trang vẫn phải bấm bụng “tặng” chiếc bát vàng cho 2 vị La Hán, dưới cái cười hồn nhiên làm chứng của Di Lặc Bồ Tát, nhằm thoát nạn ròng rã 14 năm trời để đi thỉnh kinh Phật… dởm. Một nhân vật có tiếng trên giang hồ rất thích Tề Thiên và truyện Tề Thiên, đó là Mao Zedong. Theo ông ta, Tề Thiên tượng trưng cho mẫu người có ý chí, phân tích sắc bén, hành động không mù quáng có mục tiêu rõ ràng nhưng vẫn tuân theo ý kiến sư phụ (đúng ra là Tề Thiên chỉ sợ vòng kim cô).
Hiện nay, Tây Du Ký diển nghĩa vẫn được nhiều người xem là tác phẩm tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân (1500?-1581?) đời Minh. Nhưng ngay tại Trung Quốc, có thêm một Tây Du Ký của đạo sỹ Khưu Xứ Cơ hay Khưu Trường Xuân phái Toàn Chân (Lão giáo) làm tự ái người “phật tử”, mở màn cho sự ra đời tác phẩm Phong Thần của Bạch Vân Thiền sư (Phật giáo). Lại có thêm một Tây Du Ký nữa, nhưng không có Tề Thiên, đó là truyện Trường xuân Chân nhân Tây Du Ký  của Lý Chí Thường nói về chuyến đi của Khưu Trường Xuân về Mông Cổ gặp được Thành Cát Tư Hãn. Truyện Tây Du Ký thứ 3 này được dịch thuật phổ biến rộng rãi tại Nga và Úc. Nói gì nói, người Trung Quốc vẫn xem Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong tứ đại kỳ thư đời Minh: Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký và Kim Bình Mai. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, cái nôi Phật giáo thế giới, cũng lên tiếng cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo "thần khỉ" Hanuman, được nhắc đến trong bộ sử thi Ramayana có trước đời Đường Trung Quốc. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. 
Nhắc về Ấn Độ, lại nhớ hình ảnh ba con khỉ già bịt tai bịt mắt bịt miệng, không nghe không thấy không nói, thường được khắc tượng hay tranh vẽ tại các chùa chiền Phật giáo xưa hoặc trưng bày tại các chỗ bán hàng mỹ thuật lưu niệm cho du khách các nước châu Á.
Nguồn gốc của các pho tượng này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là bức tượng vị thần Vajrakilaya , Thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng. Nhằm để răn dạy con người với ý khuyên: không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy.  Tư tưởng 3 không theo Phật giáo Ấn Độ đi qua Trung Hoa không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ tám đời nhà Đường (Tang Dynasty), một thiền sư người Nhật  trong chuyến Phật sự ở Trung Hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này. Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ các bức điêu khắc cổ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (1594-1634) rất nổi tiếng từ thế kỷ 17, có hình tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Iwazaru  và Kikazaru, tiếng Nhật có nghĩa: “tôi không nhìn thấy điều xấu”, “tôi không nói điều xấu”, “tôi không nghe những điều xấu”. Có lẽ vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Điều này cũng mang phần nào tư tưởng của Khổng Tử, khi người học trò ruột Nhan Hồi hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy… 
 Thật ra, phải xuất phát từ cái tâm. Trên chuyến phượt về quê ăn Tết vừa rồi, tôi thử 3 bịt xem sao. Mới tờ mờ sáng mà bọn sửu nhi đã rồ ga phóng nhanh lấn đường loạn xạ, phải chạy thật chậm, thật bình tĩnh. Đến nghĩa trang quân đội hay đi bộ, đang chạy tốc độ rùa bò, bỗng nghe cảnh sát giao thông thổi mời vào, hết hồn hết vía tưởng bật lộn đèn xi nhan, dòm xuống đèn xi nhan không thấy chớp, anh chàng cảnh sát lại chỉ cây gậy vào đèn, nói chưa bật đèn xi nhan, lần sau nhớ bật đèn, thôi… đi đi ông nội. Tôi vội cám ơn rồ ga chạy liền, cảnh sát xa lộ đổi ý thì lại mệt, nhưng không biết cám ơn cái gì, vì mình có sai đâu. Thôi, cứ cố gắng bịt miệng. Về đến ngã 3 bốn sáu vào Lagi, nghĩ chân ăn trưa, kỹ niệm một chút quê hương, kêu cơm cá thu kho mặn, ngày cuối năm quán chỉ có một chủ một khách và một phụ bán, ông chủ quán tươi cười ra ngồi nói chuyện đủ thứ, kêu thằng bé đem ra thêm dĩa dưa chuột cà xắt, thêm chai nước suối Vĩnh Hảo. Tính tiền, 220.000 đồng, tưởng lộn nhưng con số cộng lại là đúng. Tình quê hương vô giá. Còn hơn ăn ở Vũng Tàu, phải đến hai triệu hai, nghe nhiều người nói như vậy. Thôi, cũng ráng nhịn nhục như mấy con khỉ. Nhiều chuyện chướng tai gai mắt lắm, nhưng, …phải bịt. Đã nói, xuất phát từ cái tâm và cần tu luyện thêm dài dài suốt đời.
Những đêm khuya soạn bài dạy học, chỉ còn nghe lanh lảnh tiếng rao mỳ gỏ của thằng bé người Quãng Ngãi, tôi thường nhìn 3 con khỉ bằng gỗ mua tại phòng chờ phi trường Đà Nẳng, suy nghĩ mông lung. Không hiểu tại sao các con khỉ thường là những con khỉ già? Có lẽ khi già rồi, các con khỉ mới có được cái khôn ngoan lão làng, biết “kính nhi viễn chi”, không muốn bàn ra tán vào những chuyện thế gian tầm phào vô nghĩa vô ích? Hay tại tuổi già làm con người làm biếng, mệt mỏi, giảm sút ý chí “chiến đấu”. Cứ “dont see, dont hear, dont speak”. Tự an ủi, quá chí lý. 

Tôi cũng không biết những con khỉ già này có một quá khứ gì hào hùng để thổi phồng lên cho con cháu nghe, sau những chầu nhậu phe phẩy để ra mắt bắt tay làm ăn hay say quất cần câu tranh uống quên ăn cho hết thời giờ? Phải chăng, tất cả chỉ là hoang tưởng ngu dốt của một thời trai trẻ hăng say bị ai đó lường gạt hoặc tự phe ta lừa dối phe mình? Những con khỉ già này có gì bám víu để còn giữ cho mình chút khoe khoang hãnh diện tự trọng? Hay ngoài cái hình hài đang tụt phanh xuống cấp và chút tài sản nhỏ nhoi tom góp cả đời, chỉ thấy trống rỗng vô nghĩa toàn diện. Có phải những con khỉ già yên ắng trong bóng tối đêm dài, chính là biểu hiện úa vàng của bản thân mình và đời sống xã hội chung quanh? Thôi, còn làm khỉ, cứ ráng mà bịt…

Loài khỉ là động vật giống con người nhất, mấy đứa bé học môn sinh vật cứ nhai câu, vượn người là thủy tổ của loài người. Không những giống bề ngoài, khỉ còn thông minh, leo trèo nhanh nhẹn, bắt chước giỏi, ăn hoa quả, sống tinh nghịch tập thể bầy đàn trong rừng, thường ở những nơi “khỉ ho cò gáy”. Ở Việt Nam, người ta nuôi khỉ tại các nơi giải trí du lịch, đưa khỉ vể sống tập trung tại các khu rừng bảo tồn sinh thái. Thiếu chăm sóc, thiếu thức ăn cho bày khỉ, chọc giận khỉ…, dẩn đến chuyện dở khóc dở cười, như khỉ nhảy ra cắn người đi đường tại khu rừng trong Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hay kẻ lạ dụ mồi quăng lưới bắt sạch bầy khỉ trên núi Châu Thới Biên Hòa về nấu cao khỉ. Lúc này, người già bệnh xương khớp nhiều, cao nào cũng là cao, cao chó cao mèo còn bán được hống hồ cao khỉ. Người tuổi con khỉ có tốt có xấu. Tốt: thông minh sáng dạ, vui vẻ bạn nhiều, mạng nữ cười nói vô tư lộn xộn vẫn có người thương hứa nuôi suốt đời. Xấu của tuổi khỉ là cả tin, thiếu sâu sắc, bảo thủ, khó làm quan lớn. Vừa tốt vừa xấu là nhớ dai. Do vậy, khỉ không được chọn là biểu tượng hoặc linh vật trong văn hóa Việt Nam cũng như các xứ phương Tây. Nếu xuất hiện, cũng không được trang trọng lịch sự cho lắm như cầu khỉ, hầu quyền…, đúng là tủi thân con khỉ ở lùm.
Nhưng con vượn lại khác, tượng trưng cho điềm may mắn, chính trực thanh cao, người quân tử phải tay dài như vượn. Vượn không sống theo đàn mà sống từng đôi, sống mãi tới già, không làm tổ. Nhiều chuyện dân gian kể về vượn hóa thành người như câu chuyện tình Bạch Viên Tôn Cát…, quá sức chung thủy. Vượn đực hú rất xa khi muốn chứng tỏ sức khỏe với bạn đời, cả cây số còn nghe, truyện Kiều và Lục Vân Tiên có nhắc chuyện “hót” này, cũng bất lợi vì người thợ săn nghe hú, ráng tìm bắt cho được con vượn. Nhớ câu ca dao xót ruột một thời con gái khi chưa có cellphone, facebook, google earth…, Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Đười ươi (orang-outang) là loài linh trưởng thông minh giống người nhất. Sống trên cây 90% thời gian. Cả đời chuyên làm tổ, cứ mỗi đêm làm một tổ, trung bình trên 50.000 cái tổ cho một đời đười ươi. Con đưc ưa làm dáng, tập luyện thể dục, để tán gái và làm thủ lĩnh mấy chị em. Con cái sinh con, che chở  và dạy con ròng rã đến 7 năm, trong lúc con đực đã cao bay xa chạy tìm bạn tình mới. Đi rừng gặp đười ươi vui lắm, nó nắm chặt hai tay cười suốt cho đến tối, người ta đói lã sợ quá mà chết. Do vậy, phải đem theo ống tre lồ ô, xỏ tay vào ống, đười ươi đắc thắng nắm ống tre nhắm mắt mà cười, lúc này người đi rừng rút tay ra nhè nhẹ, bước khẻ thụt lùi từ từ… Má tôi kể lúc trẻ, đi qua rừng Nam Cát Tiên, gặp đười ươi, làm như vậy. Chuyện này vẫn chưa được kiểm chứng.
King Kong, con quái thú chết vì giai nhân, không có thật, chỉ tưởng tượng trong phim ảnh từ 1933.
Quay lại con khỉ Việt Nam, vẫn thấy tội nghiệp sao ấy, Trời sinh con khỉ ở lùm/Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông, hay Khỉ bồng con lên non kiếm trái/Cảm thương nàng phận gái mồ côi... Rồi cho con khỉ xuất hiện trong các kịch bản âm mưu tiểu nhân như Rung cây nhát khỉ, Giết gà dọa khỉ… Hay trong các ý thâm độc như Khỉ lại hoàn khỉ/ Mèo lại hoàn mèo, Nuôi ong tay áo/Nuôi khỉ dòm nhà… Thật đáng thương cho kiếp ông Tề.
Thôi, đầu năm cũng phải chúc nhau cho đúng lễ nghĩa tình bạn. Chúc mấy bạn 72, một năm mặt không nhăn như khỉ, không gặp đồ khỉ gió khỉ mốc, đừng sợ cái khỉ khô gì hết, và tránh xa càng xa càng tốt mấy cái trò khỉ. Các bạn trai thì chớ dại tìm chỗ khỉ ho cò gáy để chứng tỏ sức mạnh đười ươi, cứ bắt chước  giống đôi vượn già chung thủy suốt đời.
TB: Đầu năm Khỉ, các Bạn nên xem phim Planet of the Apes (La Planète des Singes), tập 3, sắp quay.
Phạm Sanh, 72PBC

Friday, February 5, 2016

LẠI THÊM MỘT TẾT MONG CHỜ NÊN MAI-ĐÀO VẪN HỮNG HỜ VỚI XUÂN - MƯỜNG GIANG

       
 Những năm tháng sống tại quê nhà trước ngày 30-4-1975, năm nào tết tới cũng đều ao ước có được một cành mai vàng nho nhỏ để vui xuân nhưng đã trót làm dân xóm biển, thì làm gì dư tiền để mua Mai như thiên hạ. Bởi vậy chỉ còn ngắm Mai vô hồn trong các bức tranh têt, treo trên vách lá, phên tre. Rồi thì tới tuổi lớn, thật sự mới có dịp thưởng thức Mai thật trong rừng hay trên các vách núi cheo leo, qua những bước hành quân xuôi Nam ngược Bắc. Nhưng buổi đó chiến tranh càng ngày càng mù mịt, tuổi đời như gắn liền với tuổi lính, thân phận còi cọc lăn lộn trong khói lửa quê hương, nên còn hồn đâu mà chiêm bái, Mai vàng, Hoa đào hay Cúc tía.. thậm chí có lúc cả bọn chưa cạn xong tiệc rượu nơi quán bên đường, thì bên ngoài trống trận, đã giục giã đoàn quân lên đường. Hỡi ơi đời lính là vậy đó.


            Tết Phan Thiết vui từ những ngày cuối chạp, mà chủ đích là rủ nhau đi chợ để mua sắm và ngắm người. Bắt đầu từ ngày 25 tháng chạp, chợ trái cây và hoa đã được hình thành trên hai con đường Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, cạnh vườn hoa nhỏ, bên hữu ngạn Mường Giang. Giáp tết, hoa từ các nơi được đổ về thành phố vô số kể, làm như người Phan Thiết, chỉ biết ăn tết bằng hoa, mặc sức mà lựa chọn. Thôi thì đủ thứ, từ các loại hoa bình dân như mồng gà, vạn thọ, trường sanh, cúc, thược dược.. cho tới các loài hoa vương giả nổi tiếng của Bình Thuận, là hoa Mai với màu vàng phớt, có năm cánh mỏng mướt như lụa , lúc nào cũng nhè nhẹ muốn chực cười trước gió xuân. Ðây là người bạn lâu đời của Phan Thiết, vì vậy mỗi độ xuân về, hầu như nhà nào cũng có một cành mai, dù mua ở chợ hay lặn lội tới rừng xa, núi cao, để chặt. Hoa bán thật nhiều, có năm thiếu người thưởng thức, nên vào chiều ba mươi tết, nhiều loại hoa ế ẵm, đã bị chủ vất bỏ, nằm phơi lạnh lùng bên vệ đường , mặc cho hoa tàn cánh rũ. Thật thảm thay cho kiếp hoa tàn.

            Tại Hà Nội, hằng năm sau ngày cúng đưa Táo quân về trời, bắt đầu từ sáng 24 kéo dài tới chiều ba mươi, suốt một tuần lễ có phiên chợ Hoa đặc biệt ở Phố Hàng Lược, chỉ bán các loại hoa, cây cảnh, đặc biệt là Hoa Ðào và Quất, rất được nhiều người ưa thích vì lâu tàn, có thể chơi suốt tháng giêng mới đem bỏ. Chợ Hoa ở Hàng Lược còn là trung tâm cung cấp hoa cho các chợ Ðồng Xuân, Cửa Nam, Mơ, Hôm, Hàng Da và nhiều hè phố khắp Hà Nội. Ðây là chốn ngàn năm văn vật của Ðại Việt, nên từ xưa kinh thành Thăng Long đã là xứ ngàn hoa đua nở, từ Hồ Tây, Nghi Tầm, Võng Thị, Trích Sài.. kéo dài tới Làng Yên Hoa trên đê Yên Phụ, Quảng Bá, Ngọc Hà, Nhật Tân.. Tất cả làm cho Hà Nội thành xứ ngàn hoa, từng được thi nhân bao đời gọi là rừng mơ với nhiều loại hoa mai, hoa đào trân quý.

            Sài Gòn những ngày gần tết, đi đâu cũng thấy toàn là hoa, làm cho mùa xuân thêm muôn màu nghìn dáng, với đủ loài hoa từ Ðà Lạt, Phương Lâm, Sa Ðét, Gò Vấp, Thủ Ðức, Phú Thọ đưa vào. Những ngày nay, đi đâu cũng thấy Sài Thành thật là thơ mộng, qua hình ảnh của những chiếc thổ mộ lăn bánh cóc cách gõ nhịp khắp đường phố, xe nào cũng chất đầy hoa như đang chở cả mùa xuân từ muôn phương đem về dâng hiến làm vui cho Sài Gòn. Tóm lại, theo tập quán của tổ tiên truyền lại , thì vui xuân đón tết, ngoài việc bầy cỗ bàn cúng kính tiền nhân. Ngoài ra hầu như nhà nào, dù giàu hay nghèo, cũng không thể thiếu các món trà, rượu, pháo và nhất là các loại hoa đào (miền Bắc), mai (miền Trung và Nam), đồng thời còn thưởng thức thêm các loại hoa cúc, hồng, vạn thọ, trường sanh, mồng gà.. Riêng các cụ xưa có phần kiểu cách hơn , nên luôn trong nhà lúc nào cũng có sẵn một chậu Lan, Cúc hay Mai tứ thời. Nhưng dù các loài hoa có khoe trăm hương, ngàn sắc , thì những ngày Tết Nguyên Ðán tại VN, đào và mai cũng vẫn là hai loài hoa trân quý, được mọi người ái mộ nhất.

1- MỖI NĂM HOA ÐÀO NỞ :

            Ngày Tết chơi hoa đào, hầu như chỉ thịnh hành trên đất Bắc. Riêng các tỉnh từ nam vỹ tuyến 17 vào tới mũi Cà Mâu, nhà nhà dùng Mai thay Hoa Ðào trong ba ngày xuân, dù Ðà Lạt được mệnh danh là xứ hoa đào. Mai và Ðào đều là hai loài hoa tinh khiết, quý hiếm trong muôn loài, tượng trưng cho sức sống kỳ diệu của hoa giữa trời xuân, lại có hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát, hợp với không khí đầm ấm hạnh phúc của người đang rạo rực vui xuân.

            Thú chơi Ðào ngày tết đã có từ lâu rồi. Tổ tiên ta thuở bình minh dựng nước trên đất Bắc, khi chọn hoa đào để làm thú tiêu khiển trong ba ngày tết, chắc hẳn đã nghĩ tới màu đỏ thắm rực rỡ của đào, giống như viễn ảnh của một năm mới sắp tới, cũng trong sáng đẹp đẽ như màu hoa. Hơn nữa theo quan niệm của Á Ðông, màu đỏ luôn tượng trưng cho niềm hy vọng của con người. Ngoài ra theo truyền thuyết , ngoài hoa sắc nõn nường, hoa đào còn được coi như là vật trấn yêu , trừ ma quỹ. Diễn tích trên được rút từ truyện hai vị thần Uất Lũy và Trần Trà ở núi Ðộ Sơn, cai quản một đám âm binh, quỷ sứ. Ðể trị bọn chúng, hai thần đã dùng cành đào như một thứ vũ khí đặc biệt. Do trên, người VN nhất là ở miền Bắc,qua ảnh hưởng của Trung Hoa, đều tin rằng chơi hoa đào trong ba ngày tết, ma quỷ sẽ không dám vào nhà để lộng hành phá phách, làm hại mọi người.

            Tại Hà Nội, vào những ngày Tết có bán hai loại hoa đào, đó là Hồng đào và Bích đào. . Ðây là loại hoa kiểng có màu đỏ thắm rất đẹp, không có quả. Thứ hoa này có thể sống được vài ngày. Xưa nay với những người Việt di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954, thì mỗi lần Tết đến có trăm nhớ nghìn thương, chứ đâu phải chỉ có hoa đào, cây nêu và câu đối đỏ, như một nhà thơ nào đó đã viết :

‘ Em ở mình đây trời nắng lắm
Sài Gòn không biết có xuân sang
Xuân này xứ Bắc ra sao nhỉ
đào có hây hây, cúc có vàng
câu đối có còn ôm đỏ cột
nêu dài tiếng khách có khua vang ?

            Nói như người Hà Nội thì mùa xuân là mùa hoa, tựa như con người trên đường đi tìm hạnh phúc cho chính mình, biết gìn giữ hay thưởng thức, nói chung phải có người biết chơi hoa, yêu hoa, trân quý nâng niu thì hoa mới có ý nghĩa với đời. Bởi vậy đã có không biết bao văn nhân tài tử đất Bắc, hàng năm không thèm ghé vào chợ Hoa Tết Hàng Lược trước mắt, mà phải lặn lội trong mưa phùn gió bấc lạnh lẽo khổ sở, tìm tới các rừng Mơ ở tận Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Từ Liêm.. với mục đích chỉ tìm cho bằng được một hồn hoa còn trinh bạch, đang thẹn thùng e lệ núp lén đâu đó trong cảnh mưa gió phủ phàng. Ðâu đâu cũng ngổn ngang những nhánh Chi Mai, một góc Trà Thâm, nhiều giỏ Ðại Ðóa đang chen vai khoe sắc bên cạnh các chậu Mộc Lan.. tuy nhiên tất cả đềukhông phải là những thứ người nghệ sĩ đang tìm kiếm, mà là Hoa Ðào. Ðây chính là loài hoa được Thôi Hộ, Ôn Như Hầu, Nguyễn Du .. từng nhắc nhớ, loài hoa Hồ Ly Tinh trải qua bao thế kỷ, đã ru hồn các nghệ sĩ, khiến cho họ phải từng canh bâng khuâng, xao xuyến, mộng mị trong mong chờ. Vì vậy dù Tết đã qua, hoa đã thành ‘ khứ niên ‘ nhưng linh hồn của nó vẫn như đọng lại nơi tâm khảm của khách yêu hoa, khác nào nổi ngất ngư của mối tình đầu mà ta đã trải qua trong đời với người yêu dấu ái.

            Bao đời Hà Nội ngày xuân tươi thấm qua màu đỏ chói của Bóch Ðào, Mộng Tự lẫn Ðào Thăng Long. Ngoài ra còn loại Bạch Ðào cực hiếm khó có được, nên trong phút giao thừa đêm cuối chạp, thường làm cho người yêu hoa phải ngẩn ngơ thao thức, đứng với hoa trong ánh bạch lạp chập chờn trên bàn thờ, mà tưởng như hồn đã hóa thành đá, giữa cõi mênh mang trống vọng biển đời, thực ảo, hơn thua, biết đâu mà mộng mị.

            Nhưng nhắc tới hoa Ðào, ta không thể không nhớ tới Vũ Ðình Liên với thi phẩm tuyệt tác ‘ Ông đồ già ‘ :

Mỗi năm hoa đào nở
lại thấy ông đồ già
bày mực Tàu giấy đỏ
bên phố đông người qua
năm nay đào lại nở
không thấy ông đồ xưa

             Hỡi ơi mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi, bạn bè người thân may mắn còn sống sót sau cuộc chiến, nào Nhật Trường, Huyền Vũ, Hồ Tài, Trần Tác, Phùng Thế Xương, kể cả Võ Thị Thanh Tâm, tuổi đời mộng mơ đang chớm, cũng đã trở thành người tram năm củ, dù Tết nào hoa Ðào cũng vẫn nở, mà bóng người xưa đã khuất nẻo mây ngàn. Tóm lại, Hoa Ðào ngoài công dụng làm vật trang trí cho người tiêu khiển, cũng đã đi vào kho tàng văn chương, tục ngữ của nhiều dân tộc. Trong ‘ Cung oán ngâm khúc ‘ , Ôn Như Hầu đã viết :

‘ Áng đào kiểm đâm hoa não chúng
khóc thu ba dợn sóng khuynh thành ‘

            Qua hai câu thơ trên, tác giả đã mượn màu sắc tươi thắm , nõn nường của hoa đào, để diễn tả nhan sắc chim sa, cá lặn của những người đàn bà đẹp. Nhưng tình là gì , nếu không phải là những uẩn khúc thương tâm và càng xa xót đối với người đẹp. Bởi vậy thi nhân đã hạ bút viết thêm ‘ Mà xui phận bạc nằm trong má đào ‘.

            Má đào cũng được dùng để chỉ ngưởi đẹp. Danh từ trên được rút từ điển tích Thội Hộ đời nhà Ðường, nhân tiết Thanh Minh ngoạn cảnh, đi lạc vào một vườn hoa đào . Sau đó đã gặp và yêu một người con gái đep tên Ðào Phụng Trinh . Cả hai đã gắn bó, thề hẹn và chàng hứa sẽ trở lại thăm nàng . Năm sau, Thôi Hộ lại đếnvườn đào nhân buổi đầu xuân, nên khắp nơi hoa đào rực rỡ khoe hương sắc đầy trời. Nhưng cảnh cũ còn đây , hoa đào còn đó, mà bóng người xưa đã biền biệt phương trời. Não lòng, Thôi Hộ đặt bút viết một bài thơ tứ tuyệt, dán nơi cửa vườn hoa năm ngoái, mà hai người đã gặp gỡ :

‘ Khứ niên kim nhật thử môn trung
nhân diện đào hoa tương ánh hồng
nhân diện bất tri hà xứ khứ
đào hoa y cựu tiếu đông phong ‘

            Năm sau nữa cũng độ xuân về, lòng thương nhớ không nguôi, Thôi Hội lại lần mò đến vườn xưa , chợt nghe tiếng khóc than thảm thiết, hỏi ra mới biết, đó là tiếng khóc của cha Ðào Phụng Trinh. Nàng vì thất tình nên mang bệnh trầm kha,trong cơn hấp hối, sau khi được đọc qua bài thơ tỏ tình của Thôi Hộ. Cảm xúc trước cảnh đau lòng, nên chàng mong được gặp Ðào Phụng Trinh lần cuối. Nhờ vậy nàng đã sống lại khi nghe tiếng chàng gọi mình, thế là hai người đẹp duyên cầm sắc, giữa vườn đào đang nở rộ đón xuân sang. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tiên sinh cũng đã viết :

‘ Trước sân nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông ‘

            Tóm lại danh từ ‘ má đào ‘ dùng để chỉ những người đàn bà đẹp. Ngoài ra ‘ hoa đào ‘ còn tượng trưng cho tuổi thanh xuân, của các cô gái sắp về nhà chồng , như Kinh thi đã viết :

‘ Ðào chi yên yên
thước thước kỳ hoa
chi tử vu quy
nghi kỳ thất gia ‘

            Ý nói ‘ mơn mởn đào non, rực rỡ màu hoa, cô đi lấy chồng, hạnh phúc trăm năm ‘.

2- MAI VÀNG :

            Tự ngàn xưa, Mai đã được xếp vào loại hoa quý nhất trong ngàn hoa. Trong nhiều bức tranh cổ còn lưu truyền như tranh Tứ Bình, vẽ bốn loại hoa cực quý là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Ngoài ra còn có tranh tứ thời, cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan, Sen, Cúc, Mai. Tóm lại dù con người qua các thời đại có thay đổi quan niệm thưởng ngoạn thế nào chăng nữa, thì ta vẫn thấy có sự hiện diện của hoa Mai :

‘ Ðua chen thu cúc, xuân đào
lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông ‘
(Bích Câu kỳ ngộ )

            Tại VNCH trước ngày 30-4-1975 có rất nhiều hoa Mai nhưng nhiều nhất là hai tỉnh Quảng Nam và Bình Thuận. Ở thủ đô Sài Gòn vào những ngày sắp tết, Mai từ các tỉnh miền Trung như Ðà Lạt, Phương Lâm (Lâm Ðồng) hay Nam Phần tại Sa Ðéc , đổ vào hàng trăm loại hoa. Giữa muôn hồng ngàn tía, khoe hương sắc rực rỡ nhưng thiên hạ vẫn nườm nượp ùa tới những gian hàng bán Hoa Mai, để tha hồ nhìn ngắm, lựa chọn những cành mai vàng năm cánh mỏng như lụa, đang rung rung nhè nhẹ trước cơn gió thoảng. Ðây là người bạn lâu đời nhất của Miền Nam, quanh năm sống heo hút trong rừng sâu, núi cao, chỉ những ngay sắp Tết mới hiện diện vui xuân với mọi nhà. Ngày nay theo thời thượng, nên nhân sinh đã tạo ra rất nhiều loại mai mới, có giống tới mười cánh, hai mươi cánh với các màu sắc loè loệt trắng, vàng hay ghép đũ màu sặc sỡ lố bịch. Ðây là sản phẩm tự chế của xã nghĩa thiên đàng, quen xét đời qua giá trị của sản phẩm vật chất mà không cần biết tới cỏi hồn tinh khiết bên trong, dù đó là hồn nước, hồn người hay hồn hoa thắm đượm.

            Mai có thân hình khẳng khiu nhưng cứng rắn mà vẫn ẻo lã duyên dáng , còn cánh hoa thì màu sắc thắm tươi, mỏng manh cho đến khi lìa cành mà màu sắc vẫn không thay đổi. Mai được xếp đầu trong muôn hoa, nở rộ trong những ngày đầu xuân ‘ tiên hưởng bạch hoa đầu thượng khai ‘.Mai cũng là đề tài muôn thuở, làm mê say đắm lụy tâm hồn văn thi sĩ, họa sĩ, nghệ nhân bao đời. Nhờ vậy đã lưu truyền cho hậu thế nhiều tác phẩm nghệ thuật, nói về Mai rất đặc sắc và trữ tình. Có điều tuy cùng ngâm vịnh hoa Mai nhưng âm hưởng đã hoàn toàn khác biệt giữa giống Mai mà các văn nghệ sĩ VN ngâm vinh và loài Mai Trúc trong nghệ thuật hội hoa, điêu khắc và ca tụng trong nền văn học Trung Hoa

+ Hoa Mai Trong Văn Chương Cổ Điển :

            Loài Mai này hoàn toan khác biệt với giống Mai vàng đã có từ lâu đời tại Miền Nam VN. Giống Mai này có tên khoa học là Prunus Mume, thuộc ho Hoa Hồng (Rosaleal). Mai này tương cận với cây Mơ, có tên khoa học Prunus Armeniaca Lin, cũng như cây Ðào ( Prunus Persica Stokes). Mai này có hoa năm cánh, màu trắng, hồng hay đỏ thắm, mùi thơm. Quả Mai lúc sống màu xanh và biến thành màu vàng khi chín. Người Trung Hoa miền Quý Châu , đem sấy khô thành quả Ô Mai hay Ô Môi và đem bán ở các thị thành VN mà chúng ta gọi trại là Xí Muội. Những chữ Mai trúc trong văn chương cổ điển Trung Hoa, chính là loại Mai này.

+ Mai Vàng Tại Miền Nam VN :

            Giống Mai này có tên khoa học là Dohna Harman, thuộc ho Hoàng Mai (Ochnaceae ). Mai vàng không thơm, quả chỉ nhỏ bằng hạt đậu, khi còn tươi có màu xanh và biến thành màu đen lúc cây chết., không ăn được. Ngoài ra còn có một giống Mai thuộc họ Tre, thân dài thẳng đứng, vỏ cây rất dày có nhiều đốt, lá to. Loại Mai này được đốn với tre đem về làm nhà, ống đựng nước uống, nó hoàn toàn khác biệt với hai loài hoa Mai trên..

‘ Miệng ăn măng trúc, măng mai
những tre cùng nưa lấy ai bạn cùng ‘
(Phong dao VN)

            Nhưng cho dù thuộc giống Mai nào chăng nữa, thì Mai vẫn là một loài thực vật có thể chịu đựng được tuyết giá đông hàn, luôn ngạo nghễ nở hoa, để chào đón chúa xuân, trong phút giây giao thời. Chính cái bản sắc cuồng ngạo đó, đã lôi cuốn nhân sinh vào cuộc chơi. Ðó cũng vì Mai chính là hiện thân của hàng Kẽ Sĩ, Trượng phu, anh hùng mã thượng, chịu đựng tất cả dâu biển của cuộc đời, kể cả phong ba bão táp, để đạt cho được mục đích cuối cùng ‘ lợi dân, ích nước, làm đẹp cho người ‘.Và cũng chỉ có Mai mới đủ thực chất để đại diện cho lớp người chọc trời khuyấ nước, coi thường danh lợi phú quý như phù vân, xem vua quan thối nát thua loài cỏ rác, coi bọn khoa bảng trí thức xu thời, bợ thế, dua mị, nhắm mắt chạy theo lợi nhuận, chẳng khác nào sâu bọ., cầm thú đội lớp người. Ðiển hình nhất trong lớp người, có Chu Thần Cao Bá Quát, ông đã viết “

‘ Thập tái luận giao cần cổ kiếm
nhất sinh đề thủ bái mai hoa ‘

            Như Ðào, hoa Mai cũng được các thi nhân vay mượn, dùng làm đề tài , để diễn tả nét đài trang, thanh nhã của những người đàn bà đẹp trong đời, qua các thời đại, như Nguyễn Du tiên sinh đã viết trong ‘ Ðoạn Trường Tân Thanh ‘

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
một người một vẽ, mười phân vẹn mười .

            Yêu quí mai, trân trọng mai tới độ bái phục mà các văn thi nhân còn chưa thấy là đủ, nên cuối cùng đã chọn mai làm người bạn tri kỷ, để ra vào cùng đối ẩm, cận kề :

‘ nghêu ngao vui thú yên hà,
mai là bạn cũ, hạc là người quen ‘

+ Tao Nhân Mặc Khách Với Mai :

            Chơi xuân mỗi người một cách nên hầu như không giống ai cả, nhất là đối với hàng tao nhân mặc khách. Ðối với hạng bình dân chất phác, khi lựa chọn một cành mai để vui ba ngày tết , thì chỉ cần có nhiều hoa nở , đúng vào lúc giao thừa . Sau đó hoa vẫn tiếp tục nở rộ trong ba ngày xuân, thế là đủ rồi, vì đối với họ, đó là niềm vui cũng như sự may mắn. Nhưng với lớp người trưởng giả, thì khi chọn mai để thưởng thức phải là giống to, cao, hoa lá xum xê, để chủ nhà biểu lộ với hàng xóm láng giềng , về sự giàu sang sung túc của mình.. Tuy nhiên đối với hàng tao nhân mặc khách,nhất là giới nghệ sỷ, thì mai không phải là loài vô tri, mà là một sinh vật có linh hồn, chẳng thế mà thiên hạ đã cùng đồng tâm chấp nhận ‘ Mai là hoàng hậu của muôn hoa ‘ .

            Ái mộ, nưng niu, chiều chuộng nên thi nhân bao đời đã nhân cách hóa và đặt tên cho Mai nhiều mỹ danh vô cùng diễm le. Do đó với loài Mai có màu trắng như ngọc tuyết tinh khôi, thì gọi là Bạch Mai, Chi Mai hay Mai Ngự Sử. Với loài Mai có màu xanh, thì được đặt tên là Mai Thanh Ðài. Còn Mai có màu vàng thì gọi là Hoàng Mai hay Lạp Mai , vì loại mai này chỉ nở vào những ngày cuối đông mà thôi. Ngoài ra còn nhiềi loại Mai khác như Hồng Mai (màu đỏ), Mai Thanh Ðài Lục Ngạc (Hoa mai có 6 cánh đan chéo vào nhau như sừng nai, màu xanh), Mai Chuỗi (màu tóm có hoa và trái kết thành chuỗi), Mai Chiếu Thủy (màu trắng, cánh nhỏ, thường rũ nghiêng xuống mặt nước), đầy là loại mai quý hiếm.Cuối cùng là Mai tứ Thời có hoa suốt năm, bốn mùa.

            Hiện không có tài liệu nào xác nhận thời gian đầu tiên loài Mai xuất hiện trên trái đất. Nhưng cái tên Mai lại được giải thích rằng : có một loài hoa rất gai gốc chịu đựng cảnh băng giá mưa đông, để kịp nở hoa vào buổi giao thời , giữa năm cũ và năm mới. Hoa có năm cánh , kết thành một vòng tròn , biểu tượng ánh thái dương đang tỏa nắng ấm tới nhân gian vào buổi sớm đầu xuân. Với các đặc tính đó, loài hoa này mới được gọi là Hoa Mai. Ngoài ra liên quan tới giống hoa này, xưa nay đã có rất nhiều điển tích liên hệ như :

+ Trúc Mai  Vì bán mình để có tiền chuộc mạng cho cha mẹ, nên Thuý Kiều phải theo gã Mã Giám Sinh về Lâm Tri. Ðêm đó một mình nàng ôm mặt khóc với bóng đèn khuya, , nhớ đến người tình đang ngoài muôn dặm là Kim Trong, mà đứt ruột nát hồn. Ðể diễn tả hoàn cảnh bi thiết đó, Nguyễn Du tiên sinh đã mượn điển tích ‘ Trúc Mai ‘ và viết :

‘ Tái Sinh chưa dứt hương thề
làm thân trâu ngựa đền bù Trúc Mai ‘

            Trúc-Mai là hai loại cây vẫn xanh tốt trong mùa đông băng giá. Ðặc tính của hai loại cây này là ‘ Trúc bất chỉ thiên, Mai bất chỉ địa ‘, đó là một sự hòa hợp âm dương rất tuyệt diệu. Ngoài ra rheo sách ‘ Lưỡng bạn thư vũ tùy bút ‘ có viết câu chuyện Trúc Mai như sau : Vào mùa đông, các tao nhân mặc khách thường tới Ðầm Long Môn tại tỉnh Quảng Ðông để thưởng ngoạn, vì tại đây có rừng Trúc-Mai vẫn tươi tốt trong cảnh tuyết băng giá buốt lạnh lẻo. Tại đây, có hai giai nhân tài tử tên Hoàng Kỳ Mai và Lam Bá Trúc được dịp quen biết rồi yêu nhau tha thiết. Nhưng rồi cũng phải chia tay, trước giờ phân kỳ Lam Bá Trúc đã bẻ một cành Mai còn Hoàng Kỳ Mai thì dùng một nhánh trúc, để làm kỷ vật trao đổi, thệ nguyện nên cuối cùng đã toại nguyện. Từ đó để nói tới tình yêu trai gái, vợ chồng, người đời sau hay lấy điển tích ‘ Trúc Mai ‘ để diễn tả.

+ Nhất Chi Mai :  Ðiển tích này được trích từ tập ‘ Kiến Văn Tiểu Lục ‘ của Lê Quý Ðôn, nói về đời tư của Hồ Quý Ly. Theo sách cho biết tổ phụ ông là người Tàu, vì loạn lạc nên mới di cư sang Ðại Việt. Lớn lên đi tìm công danh, nên Quý Ly đã bỏ làng quê tới kinh đô Thăng Long. Trên đường vô tình ông lượm được một quyển sách tên ‘ Quảng Hàn Cung Lý Nhất Chi Mai ‘ nên mở msng được nhiều kiến thức chính trị quân sự. Về sau Ông được vua Trần Nghệ Tông trọng dụng , nên thăng quan tiến chức rất nhanh. Một hôm nhân các triều thần hội họp trong cung vua, Nghệ Tôn mới chỉ vào rừng quế, quanh điện Thiên Thủ, ra một câu đối :

‘ Thanh thủ điện tiền thiên phụ quốc ‘

            Trong lúc các quan chưa kịp ứng đối, thì Quý Ly chợt nhớ tới nhan đề của cuốn sách mà trước đây mình đã vô tình lưọm được, nên dối ngay :

‘ Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai ‘

            Nhà vua cho đó là duyên kỳ ngộ, nên đã đem công chúa gả cho Quý Ly. Từ đó họ Hồ mới có cơ hội xây dựng thế lực và vây cánh, cướp ngôi nhà Trần sau khi Thượng Hoàng Nghệ Tông mất.

+ Mai Trường An : Còn có tên là Mai Tứ Quý là giống Mai nở hoa bốn mùa. Ðiển tích ‘ Mai Trường An ‘ được rút ra từ câu chuyện nàng TâyThi, cô gái nước Việt, đã giúp cho Vua Việt Câu Tiễn, đánh bại Ngô Phù Sai, rửa nhục và thu hồi lại đất nước đã mất. Ðiển tích trên, đồng thời cũng nhắc tới câu chuyện nàng Dương Thái Chân, tức là Dương Quý Phi ái thiếp của vua Ðường Minh Hoàng. Thời đó có Lục Khải làm quantại Giang Nam, nhân lính trạm mang thư tín về kinh đô Trường An, nên ông đã bẻ một cành Mai, để gửi về tặng bạn là Phạm Việp, trong đó có kèm theo một bài thơ :

‘ Chiết Mai phùng dịch sứ
Ký dữ lũng đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Liễu tặng Nhất Chi Mai ‘

            Quá cảm động và càng thương quý bạn nên Phạm Việp đã đem cành mai đó trồng và sau đó Mai có hoa nở cả bốn mùa. Sau này các văn thi sĩ thường mượn loài Mai trên, tức Mai trường An, để nói về nhan sắc chim sa cá lặn của các giai nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, nhất là Tây Thi và Thái Chân.

3 - MAI VÀ THƠ VĂN :

                        Xưa nay, những người thoát tục ngoại hạng, thường ưa thích hoa Mai, vì cho đó là một biểu tượng cao quý của hạng Sĩ phu, Quân tử. . theo quan niệm của Nho giáo. Thật vậy, với thái độ sừng sững giữa trời mưa gió. Trong cõi trời đất gần như hư vô bát động này, Mai đã rụng hết lá, chỉ còn lại thân cây trơ trọi . Thế rồi những ngày cuối chạp sắp Tết, bỗng dưng khắp thân Mai, tràn đầy lá xanh và búp nở. Tất cả như đợi chờ một khoảnh khắc giao mùa của trời đất, mới chịu mãn khai.

            Ðứng trước nổi thế thái biển dâu của nhân tình và vạn vật, Mãn Giác Ðại sư (1045-1096) , một cao tăng thời Lý, đã viết bài kệ ‘ Cáo Tật Thị Chúng ‘, rất nổi tiếng nên được lưu truyền tới ngày nay :

‘ Xuân qua trăm hoa rụng
xuân tới trăm hoa tươi
trước mắt việc đi mãi
trên đầu già đến rồi
chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
đêm qua sân trước nở cành mai ‘

            Ðây cũng chính là một thông điệp vô cùng trân quý, mà Thiền sư đã gởi lại cho hậu thế VN, với lời nhắn nhủ thật chân thành, khuyên bảo mọi người ‘ phải kiên trì để mà sống, không cần sợ hãi bất cứ một nghịch cảnh nào, giống như đêm qua sân trước nở cành mai, dù ai cũng nghĩ rằng xuân tàn hoa rụng hết ‘.

            Còn nhà sư Tế Kỷ sống vào thời Nhà Ðường, đã mượn cớ ‘ Tảo Mai ‘, để làm một bài thơ, cũng có ý tưởng rất cao siêu như THiền sư Mãn Giác, khuyên mọi người phải sống kiên trì, giống như Hoa Mai, mới mong thành tựu :

‘ Vạn mộc đông dục chiết
cô căn noãn độc hồi
tiền thân thâm tuyết lý
tạc nhật nhất chi khai ‘
           
            Bài thơ cho biết là trong lúc muôn cây sắp chết cóng, riêng có Mai thì rể đang trở mình, giữa cảnh tuyết băng giá lạnh, chợt đêm qua Mai nở hoa.

            Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, Ðại Ðường và Bắc Tống là hai thời đại rát thịnh hành về lối thơ Thất Ngôn ngâm vịnh. Ðặc biệt thời Bắc Tống, có rất nhiều tao nhân mặc khách nổi tiếng, cũng không thua kém gì các thi thần, thi bá Lý Bạch, Ðổ Phủ, Bạch Cư Dị.. đời nhà Ðường. Cũng vì vậy, họ đã lưu lại chohậu thế rất nhiều bài thơ ‘ Vịnh Mai ‘ vô cùng đặc sắc. Trong số này đáng kể nhất có Lam Pha, suốt đời chỉ mê đắm Hoa Mai mà thôi, chứ không hề ngó tới đàn bà, dù đó là những người đẹp nổi tiếng tại kinh đô Biện Kinh (Khai Phong). Với Vương An Thạch (1021-1086) , tể tướng thời Tống Thần Tông, chủ trương Tân Ðảng, lừng lẫy một thời trên trường chính trị cũng như trong văn đàn, đã lưu lại cho hậu thế nhiều trước tác giá trị, trong đó có bài thơ ‘ Mai Hoa ‘, rất được nhiều người ưa thích :

‘ Tường dốc sổ Chi Mai
Lăng Hàn độc tự khai
dao tri bất thị khuyết
dữ mai tinh tác thập phần xuân ‘.

            Ý thơ muớn nói, nơi góc tường mấy nhánh mai, tự nở hoa trong rét, xa nhìn không phải tuyết vì có hương thầm bay.

            Riêng Lư Mai Pha, thì chẳng những ca tụng Mai, mà ông còn đề cao cả tuyết và thơ. Theo quan niệm của ông, cho rằng người đời, bất cứ là ai, nếu đã sẵn có trong tay ba thứ trên, coi như họ đã có một trời xuân hạnh phúc :

‘ Nhật mộ thi thành, thiên hữu tuyết
dữ Mai tinh tác, thập phần xuân ‘

            Ý ông nói là vừa làm xong bài thơ thì đêm tới, trong lúc ngoài trời đầy tuyết, còn nơi góc nhà Mai cũng nở hoa, coi như ta đã hưởng trọn vẹn mời phần xuân rồi.

            Mao Ngọc Long là con gái quan Ngự sử Mao Phụng Thiều, có chồng đã hy sinh ngoài sa trường, nên ở vậy thủ tiết làm người sương phụ. Một mùa đông nọ, ngồi bên song cửa, nhìn tuyết đang rơi lã chã ngoài sân, chợt thấy cành mai lẻ loi đang khép nép dưới mái hiên lạnh, vừa nở rộ một cánh hoa trong cơn buốt giá. Nhìn cảnh sinh tình, thêm tủi phận cô đơn góa bụa của mình, nên nàng đã viết bài thơ ‘ Ðông Dạ ‘, để gửi gấm tâm sự u hoài của đời người sương phụ :

‘ Thùy liêu tịch mịch, thư song hạ
Ðấy ảnh Mai Hoa, loạn dạ đăng ‘.

            Sau này các Họa sĩ cũng theo gót các văn nhân thi sĩ nhập cuộc. Trong số này có Trọng Nhân, đã dùng mực nước, vẽ môt cành Mai với hai màu đen trắng, ai cũng khen là Hoa có hồn. Ðời nhà Minh có Vương Ðiệu ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, chuyên vẽ Hoa Mai Tây Hồ, với những nét u hoài lãng mạn nhưng cũng không kém phần mạnh mẻ, với nụ hàm tiếu đang mãn khai vô cùng duyên dáng, trữ tình. Hàng Châu từ lâu đời đã kinh đô của Nhà Nam Tống, vùng đất nổi tiếng về Trà và sản xuất tơ lụa. Vì vậy các nghệ nhân đã đem Mai in trên tơ lụa, mà nổi tiếng nhất vẫn là những hình vẽ vè loài ‘ Ẩn Mai ‘, do Vương Ðiệu sáng tạo, với khung cảnh như không như có, hấp dẫn lạ lùng.

            Nhưng người nổi tiếng nhất khi vẽ Hoa Mai, trong nền hội họa cổ điển Trung Hoa, từ xưa tới nay vẫn được công nhận, vẫn là Vua Tống Huy Tông (1100-1125), thời Bắc Tống vì ham vẽ, mê chơi, lại tin nghe bọn nịnh thần như Sài Kính, Trương Ban Xương.. làm cơ nghiệp nhà Tống đổ nát vào giặc Kim ở phương Bắc. Năm 1127, vua lúc đó là Thượng Hoàng, cùng với vua Khâm Tôn và nhiều triều thần, đã bị nước Kim bắt đem về giam giữa tại Nội Mông và chết ở đó. Tuy vua Huy Tông chỉ sống rất ngắn ngủi (1108-1135) nhưng ông đã lưu lại cho hậu thế rất nhiều tranh vẽ giá trị, trong số này có bức danh họa ‘ Kết năm màu trên nhành Mai ‘, hiện được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Boston (Hoa Kỳ).

            Bây giờ mọi người mới hiểu tại sao thời Nhà Tống, ai cũng thích Hoa Mai hơn các thời đại khác trong lịch sử Trung Hoa. Theo sử liệu, cho thấy nhà Tống rất yếu về quân sự , so với các nhà Hán, Ðường và Minh. Do trên đất nước Tàu, từ thời Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn) lập quốc năm 916, cho tới đời Vua cuối cùng là Ðế Bình, thị bị Mông Cổ tiêu diệt năm 1279, luôn luôn bị các nước Liêu, Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn, Mông Cổ, Ðại Lý và Ðại Việt .. tấn công, xâm lấn. Do trên các bậc văn nhân, thi sĩ kể cả họa sĩ và nhất là giới sĩ phu trí thức, thường lấy Hoa Mai làm biểu tượng tinh thần của người anh hùng trong thời loạn ly lửa khói, để đề cao dũng khí, sự tinh khiết cùng lý tưởng cứu dân, giúp nước của mọi người. Do trên, thời nhà Tống mới có nhiều thơ văn và họa phẩm nổi tiếng về Hoa Mai.

            Tóm lại hiện có hai loài Mai, một của Trung Hoa đã xuất hiện từ thời thượng cổ, mà kinh thi đã từng đề cập. Riêng về giống Mai Vàng nổi tiếng của VN, tới nay vẫn chưa truy tìm được xuất xứ, cũng như thời gian ban đầu Mai xuất hiện. Tuy nhiên Mai vàng chỉ mọc ở Miền Nam VN, nhiều nhất trong hai tỉnh Quảng Nam và Bình Thuận. Theo Vương Hồng Sẻn, viết trong ‘ Sài Gòn năm xưa ‘, thì miệt Sài Gòn chỉ có giống Mai Trắng, mọc rất nhiều tại Thứu Lãnh Tự (Chùa Cây Mai), Gò Mai và Phụng Sơn Tự (Chùa Gò). Cũng theo tác giả, thì giống Bạch Mai này, được đem từ Cao Mên về trồng.

            Tương truyền khi còn cầm quyền, vua Chế Mân đã lập vườn Mai Uyển ở Cà Ná là ranh giới giũa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Tại đây Vua cùng với Hoàng hậu Paramervan (Công chúa Trần Huyền Trân của Ðại Việt), tới dạo chơi và thưởng ngoạn các loại hoa quý trong vườn, nhất là Mai. Tại đậy Hoa Mai có nhiều loại, từ Hồng Mai, Bạch Mai hai tầng có cánh rất lạ, cho tới loại Hoàng Mai có cánh vàng, mỏng mà ta thường thấy trong dịp Tế. Hiện chiến tranh đã tàn phá tất cả, dù cảnh vẫn còn đó.

            Giờ thì lặng yên trong những ngày tết sắp tới nơi xứ người, bổng thèm một cành Mai, để bắt chước người dân nước Tống thuở nào, mượn Mai dục hồn người vong quốc, xa nhà, sống đời lưu vong buồn sầu đứt ruột. Nhưng hỡi ơi tất cả các loài hoa ở đây, như đã bỏ ta đi trốn. Càng não nùng hơn là những con đường thơ mộng của Hạ Uy Di ngày nào, nay chỉ còn đầy gió và lá rụng, làm thêm đau điếng khi nhớ tới những ngày xuân thơ ấu ở quê làng. Ở đây tết người đã tan đêm hội, nên chỉ còn lại có những cơn mưa năm mới, làm nhớ tới ngày nào cũng trong cơn mưa, ta đã vuốt tóc em ướt sũng nước mưa, mà cứ tưởng đó là ngàn vạn đoá mai vàng mừng mùa xuân diễm tuyệt của hai đứa mình.

            Lại thêm một tết quê người -/-

Xóm Cồn Hạ Uy Di
Chạp 2016
MƯỜNG GIANG