Kiến tạo trường ốc, giúp dân chúng mở mang kiến thức, là điều kiện căn bản để xây dựng bất kỳ quốc gia nào. Thực dân Pháp khi đô hộ VN biết rõ điều ấy, nên không muốn người Việt có dịp học hỏi, trường học được thiết lập hạn chế, không cung ứng đủ cho nhu cầu học sinh càng ngày càng gia tăng. Do đó phần lớn người VN phải chịu dốt nát. Vũ Anh Khanh, một nhà văn nổi tiếng của Phan Thiết, qua các truyện ngắn, truyện dài của mình như 'một đêm trăng', 'cây ná trắc'.. đã mạnh dạn tố cáo hành động vô nhân đạo của thực dân, đồng thời xác nhận người VN rất hiếu học nhưng bị dốt nát vì nghèo khổ và không đủ trường để đi học.
Những trường học mà Pháp đã mở, vừa ít oi lại không xứng đáng, chỉ có tính cách tượng trưng, biểu lộ bộ mặt thật của bọn thống trị, chỉ muốn vỡ lòng cho người bản xứ, biết dăm chữ, đủ để phục vụ cho bộ máy điều hành của chính quốc. Do yếu kém văn hóa, hiểu biết, khiến người VN luôn bị sợ hãi chẳng những với người Pháp, quan quyền bản xứ mà cả bọn trọc phú, a dua theo chính quyền, dựa hơi bốc lột làm giàu. Phan Bội Châu trong tác phẩm ' thiên hồ điạ hồ ' đã tố cáo thực dân dùng giáo dục làm công cụ cho chính sách ngu dân. Nhiều người có lòng đối với đất nước, đã mở mang trường tư hay nghĩa thục, để mong xóa bỏ phần nào nạn mù chữ nhưng đã bị ngay toàn quyền Đông Dương là Merlin, ký nghị định hạn chế mở trường tư năm 1924. Không có trí thức càng ít những suy nghĩ về thân phận của dân tộc, những lãnh tụ càng ít, thực dân và trọc phú dễ dàng trong sự cai trị và bóc lột dân đen nghèo.
Ai cũng biết Bình Thuận-Phan Thiết là xứ rừng tiền biển bạc, giàu hải sản các loại và chế biến được nước mắm ngon nhất nước kể cả vùng Đông Nam Á. Nhưng cũng có câu ngạn ngữ 'văn chương không bằng xương cá mòi' ngụ ý chê người Phan Thiết chỉ biết làm cá mắm, mà không nghĩ tới các giá trị tinh thần.
Đó là nổi đau lòng của lịch sử, qua thực tế cho thấy thời Pháp thuộc trước năm 1955, nhân tài Bình Thuận đếm tới đếm lui chỉ trên mười đầu ngón tay, và tất cả đều thuộc gia đình quan quyền hay giàu có. Điều này đã minh chứng, sự tố cáo của Phan Bội Châu hay Vũ Anh Khanh hoàn toàn đúng sự thật, người Pháp và người giàu trước đây đả toa rập hạn chế việc mở mang kiến thức của dân chúng Bình Thuận, để luôn bắt họ làm công cụ và nô lệ cho mình.
Trên lãnh vực giáo dục, tại Phan Thiết không ai không biết tới ông Hoàng Tỷ và Hoàng Tư với những trường tiểu, trung học tư thục đầu tiên tại Phan Thiết. Ngoài ra còn có ông Lâm Tô Bông. Kỹ sư dệt, chồng Hồ thị Tiểu Sinh, là con gái Hồ Tá Bang, từ Quảng Ngãi vào, mở trường tư thục Cẩm Bàn tại Phan Thiết năm 1937-1945.
Nói chung, theo tài liệu của thầy Nguyễn Thanh Tùng, hiệu trưởng trường trung học công lập Phan Bội Châu-Phan Thiết. Sau đó là Chánh Sở Học Chánh Bình Thuận và cuối cùng là Trưởng Ty Giáo Dục & Thanh Niên đến ngày 30-4-1975, thì giai đoạn từ 1943-1950, toàn tỉnh kể cả thị xã Phan Thiết có rất ít trường học, trong đó chỉ Trường Pháp Việt có lớp nhất, còn các trường tiểu học chỉ có tới lớp ba và vài trường sơ cấp.
Tỉnh cũng không có cơ sở phụ trách ngành giáo dục, mà chỉ có cơ quan Kiểm Học, mãi tới năm 1951, Ty Tiểu Học Bình Thuận mới được thành lập, tọa lạc góc đường Trần Hưng Đạo và Phạm Hồng Thái, Phan Thiết. Theo hệ thống công quyền lúc đó, tuy trực thuộc Bộ Giáo Dục nhưng các ngành Đại, Trung và Tiểu học biệt lập, ngành nào cũng do một Nha quản trị.
Trường Trung học Bình Thuận, tiền thân Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Châu được khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1952-1953 với hai lớp đệ thất. Về sau, các trường Trung học công lập lần lượt được mở tại các quận Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý Chàm và Hải Long, nhưng hoàn toàn biệt lập với trường TH. Phan Bội Châu, Phan Thiết. Tóm lại các trường trung học trong tỉnh chỉ liên hệ với nhau qua lãnh vực Kế Toán do trường TH. Phan Bội Châu phụ trách, trong đó bao gồm việc trả lương cho giáo sư chính ngạch cũng như dạy giờ, các ngân khoản xây cất và mua sắm dụng cụ nhà trường.. Ngoài ra, giống như các ty sở ngoại thuộc khác, Ty tiểu học chỉ lệ thuộc tỉnh Bình Thuận về phương diện hành chánh và chính trị mà thôi.
Từ năm 1972, Bộ Giáo Dục VNCH đã có những cải tổ quan trọng về thi cử và hành chánh tại địa phương. Theo đó, từ niên khóa 1974, các kỳ thi Trung Học và Tú Tài đều hoàn toàn thi theo lối trắc nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiền và cuối cùng có lối thi cử này vì ngày 30-4-1975, VNCH đã sụp đổ. Về hành chánh, theo nhận xét của giáo sư Tùng, thì dù nói là cải tổ, nhưng Bộ Giáo Dục cũng chỉ nắm vững được tình hình tại tỉnh lỵ mà thôi, còn mọi thứ đều do Ty Sở giáo dục địa phương thao tác như cũ. Đó cũng là lý do thành hình các Sở Học Chánh tỉnh, trong đó có Bình Thuận chính thức hoạt động vào tháng 4-1973. Tháng 6-1974, Bộ lại ban hành nghị định bãi bỏ Ty Thanh Niên, sáp nhập vào Sở Học Chánh và đổi tên là Ty Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên.
+ TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG LẬP PHAN BỘI CHÂU :
Đầu tiên là Trường Trung Học Bình Thuận, tiền thân của Trường Trung Học công lập Phan Bội Châu, hoạt động chính thức từ niên khóa 1952-1953 với 2 lớp đệ thất, học nhờ phòng học tại trường tiểu học Đức Thắng. Ông Nguyễn văn Trác, tỉnh trưởng Bình Thuận lúc đó, cũng là sáng lập viên, kiêm luôn hiệu trưởng, còn giáo sư giảng dạy, từ các ty sở và nhân sĩ địa phương.
Trong 4 niên học đầu tiên, trường đã thay đổi 3 lần địa điểm, từ trường Tiểu Học Đức Thắng tới trường Nam và sau đó là cơ sở của hãng nước mắm Hồng Hương, toạ lạc trên đại lộ Trần Hưng Đạo, nằm giữa hai Ty Thông Tin và Tiểu Học Bình Thuận. Địa điểm này về sau là Trường trung học tư thục Tiến Đức, hoạt động cho tới tháng 4-1975.
Niên khóa 1955-1956, thầy Lê Tá từ trường trung học Võ Tánh Nha Trang về làm hiệu trưởng và trường cũng đổi tên là trung học đệ nhất cấp Phan Bội Châu, với 4 lớp thất, 2 lục, 2 ngủ và 2 tứ. Từ niên khóa 1956 tới nay, trường dời về cơ sở mới trên đường Nguyễn Hoàng, các giáo sư được bổ nhậm từ trung ương, phần lớn là khế ước hoặc dạy giờ, một số tốt nghiệp sư phạm. .
Từ năm 1957, Phan Thiết đã có hội đồng giám thị kỳ thi Trung Học đệ nhất cấp, phần thi viết. Học sinh nào trúng tuyển phải ra Nha Trang thi tiếp phần vấn đáp, mới được cấp bằng. Kể từ năm 1958 về sau, Phan Thiết mới chính thức có Hội đồng giám thị lẫn giám khảo, kỳ thi Trung học đệ nhất cấp. Niên khoá 1959-1960, trường Phan Bội Châu có 2 lớp Tam A và B nhưng tới niên khoá 1962-1963 mới chính thức có 2 lớp đệ nhất A,B để trở thành Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp. Hội đồng giám thị các kỳ thi Tú Tài cũng được tổ chức tại Phan Thiết, nhưng từ năm 1965-1971, bài thi chấm tại Nha Trang, từ 1971 về sau, tất cả bài thi tú tài toàn quốc đều chấm tại Sài Gòn..
Suốt 23 năm hoạt động, từ năm 1952 - tháng 4/1975 mất nước nhưng chính phủ VNCH vẫn để lại cho Việt Cộng, một cơ sở uy nghi của ngôi trường một thời nổi tiếng tại miền Trung nưiớc Việt. Trường còn nổi bật trong lãnh vực thể thao, báo chí, đã đoạt giải nhất kỳ thi Bích Báo toàn quốc và vô địch giải túc cầu khu 2 gồm 5 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vào năm 1960.
+ TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG LẬP QUẬN VÀ TỈNH HẠT :
Cùng trong hệ thống công lập, trước tháng 4-1975 Bình Thuận còn có 6 trường trung học khác và 5 trường tỉnh hạt rải rác trong tỉnh Bình Thuận. Tại Bắc Bình Thuận có trường trung học công lập Hòa Đa, thành lập từ niên khóa 1963-1964. Hai trường trung học khác tại Tuy Phong và Phan Lý Chàm, khai giảng từ niên khóa 1966-1967, các trường trên chỉ là trường trung học đệ nhất cấp, trước khi Sở Học Chánh Bình Thuận thành lập năm 1973. Do thiếu giáo sư đệ nhị cấp, nên sau đó trung học Hòa Đa chỉ mở được các lớp 10 và 11, còn 2 trường Tuy Phong và Phan Lý Chàm , mỗi trường chỉ có 1 lớp 10. Hai trường trung học Hải Ninh (Sông Mao) và Hải Long, lập sau Tết Mậu Thân 1968, chỉ có từ lớp 6-9, học sinh lên các lớp cao hơn sẽ chuyển tiếp về Hòa Đa hay Phan Thiết.
Bình Thuận còn có một trường tỉnh hạt đặc biệt, đó là trường Trung học Nông Lâm Súc Phú Long. Trường này trước thuộc Nha Nông Lâm Súc nhưng từ niên khóa 1973-1974, trường thuộc Sở Học Chánh Bình Thuận, mở thêm lớp 10, vừa học chương trình phổ thông, cộng thêm các chương trình về canh nông và chuyên môn.
Tỉnh cũng có hai trường trung học bán công Phan Chu Trinh tại Phan Thiết và trường TH. Bán công Phan Rí Cửa. Ngân sách điều hành do tỉnh đài thọ, trường thu học phí để trang trải luơng giáo sư, văn phòng. Chương trình chỉ có từ lớp 6-10, lúc đầu học phí nhẹ nhưng về sau tương đương với các trường tư thục. Từ niên khóa 1972 về sau, tỉnh thành lập nhiều trường trung học Tỉnh Hạt, hoạt động như một trường trung học công lập. Tại Phan Thiết có trung học tỉnh hạt trên xa lộ, tức là đại lộ Trần Hưng Đạo. Tại Phan Rí Cửa, trường bán công cũ được cải biến thành trung học tỉnh hạt. Cũng từ niên khóa 1973-1974 về sau, có thêm ba trường trung học tỉnh hạt An Hải với 2 lớp 6, học chung với trường tiểu học An Hải. Tại đảo Phú Quý, trung học tỉnh hạt khai giảng từ niên khóa 1974-1975 với 1 lớp 6, học chung với trường tiểu học Phú Mỹ.
Ngoài ra tại Phan Thiết, trong thời gian từ 1941-1945, có trường Cao Đẳng Thể Dục Thể Thao, dành cho học viên toàn cõi Đông Dượng thuộc Pháp, gồm Việt, Mên Lào và các nước Châu Phi. Cũng theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, thì Phan Thiết đáng lẽ đã có ngôi trường Nữ Trung Học Công Lập từ năm 1971, vì ngân khoản đã sẵn sàng từ Bộ Giáo Dục nhưng rất tiếc vì không có địa điểm tại địa phương để xây cất.
+ CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC TƯ THỤC TRƯỚC NĂM 1975 :
Trước khi Sở Học Chánh Bình Thuận được thanh lập năm 1973, tất cả các trường trung học tỉnh hạt, bán công và tư thục đều do Hiệu trưởng trường trung học công lập Phan Bội Châu thanh tra giám sát. Sau này Sở Học Chánh thay thế, kiểm soát chương trình học, danh sách học sinh các lớp, kiểm soát việc nhảy lớp bừa bãi, kiểm nhận việc cấp chứng chỉ và học trình..
Tại Phan Thiết, hai trường TH.tư thục Bạch Vân và Tiến Đức thành lập sớm nhất, coi như cùng thời gian với trường Trung học công lập Bình Thuận, niên khóa 1952-1953.
- TRUNG HỌC BẠCH VÂN :
Tuy do hai thầy Lê Bảo và Nguyễn Bá Giảng thành lập nhưng Giáo Sư Nguyễn Văn Cung là một trong những vị thầy nổi tiếng của trường về việc giảng dạy cũng như tư cách đạo đức qua sự đánh giá của nhiều cựu học sinh hiện còn trong và ngoài nước. Vì thầy Giảng là bạn thân của ông Trương Cao Đặng lúc đó là Chánh Hội Trưởng Hội Chùa Bà Đức Sanh, nằm kế Đình Làng Đức Thắng trên đường Ngô Sĩ Liên. Do đó hai bên đã ký một hiệp đồng thuê mướn một số phòng ốc ở đây để thành lập trường lúc đầu . Sau đó mới dời về trường mới được xây hai tầng lầu, kế bệnh viện Phan Thiết, đối diện sân vận động, trên đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc Ấp Phú Trinh.
- TRƯỜNG TƯ THỤC TIẾN ĐỨC :
Lúc đầu gồm 1 lớp đệ thất, nằm trong tư thất của ông Phạm Ngọc Thình, trên đường Đồng Khanh, đối diện với Xã Châu Thành Phan Thiết. Có nguồn tin nói trường này lúc đầu là của Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh nhưng vì đương sự bị Phan văn Giáo, thủ hiến Trung Việt chở máy bay liệng ra Bắc trước năm 1954, nên trường đổi chủ, cho tới niên khóa 1956-1957, nhân trường TH. Phan Bội Châu dời về cơ sở mới tại đường Nguyễn Hoàng, giáo sư Đặng Vũ Tiễn đã mướn lại cơ sở cũ và dời trường TH. Tư thục Tiến Đức về, tới tháng 4-1975. Trường chỉ mở các lớp đệ nhất cấp từ 6-9.
- TRƯỜNG TH.TƯ THỤC BỒ ĐỀ :
Trước ngày 30-4-1975, trường tọa lạc tại ngả tư Nguyễn Du, Triệu Quang Phục (cạnh căn nhà của bác sĩ Ung văn Vy trên đường Trần Hưng Đạo) , đối diện với trường Nam Tiểu Học Phan Thiết. Trường được xây cất qua sự trợ giúp ngân khoản của Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận và các nhà Mạnh Thường Quân địa phương như Năm Tho (Lê văn Tho), Trần Huỳnh Hà, Tăng Khánh (nhà sách Vui Vui), Nguyễn Văn Đồng (nhà sách Hiệp Thành)..
Đầu năm 1955 trường hoàn thành dãy nhà đầu tiên, với vách gạch, mái lợp Fibro ciment , gồm 4 phòng học, để mở 2 lớp đệ thất và 1 lớp đệ lục. Căn còn lại dùng làm văn phòng. Trường thu nhận số học sinh cư ngụ tại thị xã cũng như các quận trong tỉnh Bình Thuận, đã thi rớt kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường TH công lập Phan Bội Chầu. Riêng con nhà giàu phần lớn vào Sài Gòn học. Trong niên khóa này, sĩ số học sinh toàn trường vào khoảng 150 trò.
Thành phần giám hiệu niên khóa 1955-1956 : - Hiệu trưởng Trần Hữu Lương (Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học Phan Thiết kiêm nhiệm), GS Nguyễn Văn Cường (Toán, Lý Hóa), Nguyễn Văn Giảng (Việt Văn), Đổ Cử (Sử Điạ), Nguyễn Đồng (Anh Văn), Thầy Cử và Thầy Lương (Pháp Văn) và cư sĩ Nguyễn Văn Trực (Giáo Lý). Huy hiệu nhà trường là một miếng kim loại hình chữ nhật cở 4cmx1cm, màu lam phía trên có hàng chữ ' trường TH Bồ Đề, phía dưới cẽ một hoa sen trắng có 5 cánh.
Vì sĩ số học sinh tăng dần, nên niên khóa 1959-1960 trường mở các lớp ngũ và tứ. Số giáo sư giảng dạy cũng tăng cường thêm thầy Trần Văn Tư (cựu học sinh PBC 52-56) dạy toán, thầy đã qua đời tại Phan Thiết năm 2004. Năm 1970 trường cất thêm một dãy lầu để mở các lớp đệ nhị cấp. Nhiều giáo sư Phan Bội Châu qua giảng dạy.
Về thể dục thể thao, trường cũng có các đội bóng tròn và bóng chuyền nhưng về thành tích thì không được xuất sắc lắm nếu so với các đội của trường Bạch Vân (do thầy Nguyễn Sĩ Thuyên hướng dẫn), trường Phan Bội Châu (thầy Từ Hữu Ca) ..
Cựu học sinh Bồ Đề có Nguyễn Bá Chính (con ông Nguyễn Hước, Trưởng Ty Buu Điện Phan Thiết) , niên khóa 1955-1956, sau trở thành ca nhạc sĩ nổi tiếng Dzũng Chinh qua hai bản nhạc ' Những đồi hoa sim, phổ thơ của Hữu Loan và Tha La xóm đạo phổ thơ của Vũ Anh Khanh nhà văn nổi tiếng thời kháng Pháp, cũng là người Mũi Né Bình Thuận. Ngoài ra có Ung văn Sang (con trai bác sĩ Ung Văn Vy) du học Pháp năm 1963 cũng đổ bằng bác sĩ
- TRƯỜNG TH. TƯ THỤC NGÔ ĐÌNH KHÔI :
Do linh mục Nguyễn Viết Khai thành lập và khai giảng từ niên khóa 1956-1957, với hai lớp đệ thất, đầu tiên là một trường nhỏ, nằm trên đường Huyền Trân công chúa, sát chợ Thiết-Bình Hưng. Cơ sở này về sau là Ty Điền Địa Bình Thuận.
Niên Khoá 1961-1962 dời về trường mới rất khang trang, có 2 tầng lầu và cư xá cho học sinh nội trú ở phía sau. Miếng đất xây trường nguyên là tài sản của Làng Đảng Bình có từ ba trăm năm trước, vì vậy đã xảy ra cuộc tranh chấp giữa địa phương và trung ương nhưng tỉnh trưởng Lưu Bá Châm, đại diện cho dân Bình Thuận, chọi không lại linh mục Nguyễn Viết Khai, nên cuối cùng đình làng Đảng Bình bị dẹp và trường TH. Tư thục Ngô Đình Khôi khánh thành.
Tỉnh Trưởng Lưu Bá Châm cũng mất chức và bị trả về Bộ Thông Tin. Sau tháng 5-1975, ông đã gục ngã ở trại tù khổ sai của cọng sản đệ tam quốc tế tận miền biên giới Lào-Hoa-Việt. Sau ngày binh biến 1-11-1963, trường đổi tên thành Chính Tâm cho tới tháng 4-1975 thì bị VC cưởng đoạt. Đây là ngôi trường tư thục bề thế và được tổ chức rất chặt chẽ tại Bình Thuận, có đông học sinh từ lớp 6-12. Giáo sư Nguyễn Quốc Biền trước khi đắc cử Dân Biểu Quốc Hội năm 1971, là Giám Học của trường.
- TRUNG HỌC TƯ THỤC KIẾN ANH :
Trước đó là Trường Tiểu Học Hoa Kiều (1945-1969) mở ra để dạy Trung văn bằng tiếng Quan thoại. Trường nằm kế Chùa Ông Phan Thiết, trên góc đường Võ Tánh và Đội Cung, phường Đức Nghĩa., do cộng đồng Hoa Kiều Bình Thuận thành lập. Từ niên khóa 1970-1971, trường được Nha Trung Học Tư Thục cấp giấy phép mở trường trung học tư thục, đổi tên là Kiến Anh. giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo Dục, kèm theo một số giờ dạy Hoa Ngữ. Trường mở tới lớp 8. Các giáo sư VN dạy tại trường này rất nhiều như Châu văn Lợi tức Châu Paul (thể dục), Lê Hồng Tâm (việt văn), các cô Nguyễn thị Hồng Liễu (con Ba Thơm, em Hồng Mai vô đích đua xe đạp).. Nhà trường bị VC cưỡng chiếm sau tháng 4-1975.
Sự điều hành giáo dục Bình Thuận, từ 1943-1945 Kiểm Học là Trần Kinh, Từ năm 1946 về sau có Nguyễn Xuân Cán, người Hòa Đa, làm kiểm học. Ngoài ra có Võ văn Trừng, từ Huế vào làm Trưởng ty tiểu học Bình Thuận đầu tiên. Võ văn Trừng sau đó là dân biểu quốc hội, thời đệ nhất cộng hòa, đơn vị Bình Thuận trước Ngô Hữu Thời-Trương Văn Chôm (1956-1963), Võ Quang Loan làm trưởng ty TH tới tháng 4-1972, cuối cùng là giáo sư Nguyễn Thanh Tùng là Chánh Sở Giáo Dục rồi Trưởng Ty Giáo Dục Thanh Niên Bình Thuận và GS Phạm Quang Giai là Phó Trưởng Ty, tới tháng 4-1975.
Làm cho Bình Thuận có sự trân quý và thành công như hôm nay, là công đức của không biết bao nhiêu thế hệ tiền nhân. Họ là con dân Đại Việt vùng Thuận-Quảng, tới đây với tay gươm tay cuốc rồi dừng lại. Sau đó tận dụng mồ hôi máu mắt và tài năng trí óc, biến sõi đá thành ruộng đồng, đổi rừng gìa biển dữ thành kho vàng bạc châu báu, để con cháu bao đời ấm yên thụ hưởng. Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, một chữ cũng nhớ ơn thầy...
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
MƯỜNG GIANG
Wednesday, September 23, 2015
Friday, September 18, 2015
Thursday, September 17, 2015
ĐÔI DÒNG TÂM SỰ CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay. Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị của tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phãi được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
mơ rằng đây máinhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương…”
Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.
Còn với hãng dĩa Continental:
Vào năm 1960, tôi và người bạn cao niên tên là Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Sàigòn, cùng đứng ra sáng lập hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Ông Huỳnh Văn Tứ phụ trách Giám Đốc Sản Xuất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phụ trách Giám Đốc Nghệ Thuật. Chủ trương của chúng tôi là nhắm vào hai bộ môn Tân Nhạc và Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ. Về lãnh vực Tân Nhạc, tôi cho ra đời hàng trăm chương trình mang dấu ấn của hãng Continental, Sơn Ca, Premier. Chính hãng Continental, Sơn Ca đã đi tiên phong trong việc thực hiện Album riêng cho từng cá nhân ca sĩ, như Khánh Ly với Sơn Ca số 7, Lệ Thu với Sơn Ca số 9, Thái Thanh và Ban Hợp Ca Thăng Long với Sơn Ca số 10 và nhiều Album cho Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, làm vinh danh những tài năng này ở thập niên 60 và 70. Riêng về bộ môn Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ , tôi đã thực hiện hàng trăm chương trình Tân Cổ Giao Duyên và trên 50 vở tuồng cải lương kinh điển nổi tiếng như Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu Về Khuya, Mưa Rừng… vân vân. Chính trong thời gian này, tôi tạo thêm hai bút danh nữa là nhạc sĩ Phượng Linh và soạn giả Đông Phương Tử, nhằm phục vụ cho bộ môn Cải Lương Sân Khấu và Tân Cổ Giao Duyên. Bút danh Phượng Linh để sáng tác phần nhạc đệm và bài ca tân nhạc lồng trong các vở tuồng cải lương, phối hợp với giàn cổ nhạc gồm những danh cầm như Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm. Còn bút danh Đông Phương Tử là soạn các bài tân cổ giao duyên và đạo diễn thâu thanh các vở tuồng cải lương. Tiếc thay, những công trình tâm huyết đó đã bị gạt ra bên lề xã hội sau biến cố lịch sử 30 tháng Tư năm 1975.
Nói về những nhạc phẩm sau này, nhạc sĩ NVĐ tâm sự
Sau tháng 4/1975, tôi đi học tập “cải tạo” 10 năm. Khi trở về nhà, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp. Suốt 30 năm qua, tôi không tham gia bất cứ hoạt động nào ở trong nước cũng như ngoài nước. Vào năm 2003, nhà nước Việt Nam có cho phép lưu hành 18 bài hát của tôi, gồm: Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân, Về Mái Nhà Xưa, Khi Đã Yêu, Đom Đóm, Thầm Kín, Vô Thường, Niềm Đau Dĩ Vãng, Tình Cố Hương, Cay Đắng Tình Đời, Tình Đầu Xót Xa, Khúc Xuân Ca, Kỷ Niệm Vẫn Xanh, Truông Mây, Bài Ca Hạnh Phúc, Bông Hồng Cài Áo, Trái Tim Việt Nam, Núi và Gió.
Rất tiếc một số bài hát tâm đắc không được nhà nước cho phép. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!
Kể về hai cô ca sĩ học trò Giao Linh và Thanh Tuyền
Với Giao Linh có nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ lại, vào một sáng Chúa Nhựt năm 1965, nhạc sĩ Thu Hồ đưa đến nhà tôi một cô bé gầy gò ốm yếu. Cô đến bằng chiếc xe máy mini Velo Solex, nhưng không đủ sức đẩy xe qua thềm nhà tôi, phải nhờ nhạc sĩ Thu Hồ giúp đở. Cô bé ngồi im lặng như đóng băng không nói năng chi, trong khi nhạc sĩ Thu Hồ thao thao bất tuyệt về khả năng âm nhạc tiềm ẩn trong người cô. Tôi nhìn cô bé 16 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, không phát triển như những cô gái cùng trang lứa, nghĩ thầm làm sao cô bé này có đủ hơi sức để hát hò. Tôi gợi chuyện vui để cho cô bắt chuyện, qua đó khám phá cái duyên ngầm sân khấu mà trong nghề nghiệp gọi là tổ đãi cho người nghệ sĩ. Nhưng cô bé vẫn không cười không nói, nên buổi gặp gở đầu tiên đó, tôi không dự cảm được gì về cô. Tuy nhiên, để không phụ lòng nhạc sĩ Thu Hồ, tôi cho một cái hẹn thử giọng cô bé Đỗ Thị Sinh tại phòng thu âm của hãng dĩa Continental. Thật bất ngờ, Giao Linh, cái tên nghệ nhân sau này của cô bé Đỗ Thị Sinh, đã gây sửng sốt bằng chất giọng khỏe khoắn. Cô hát vượt qua tầm cữ quãng tám một cách dễ dàng với làn hơi ngân nga dịu dàng truyền cảm. Hãng dĩa Continental chấp nhận, tôi lên chương trình đào tạo, và chỉ sau một thời gian ngắn, tên tuổi ca sĩ Giao Linh bừng sáng trên vòm trời nghệ thuật, sánh vai cùng đàn anh đàn chị đi trước. Khi ấy Giao Linh vừa tròn 17 tuổi. Riêng cái tên mỹ miều “Nữ Hoàng Sầu Muộn” mà người đời ban tặng cho Giao Linh, chỉ vì cô không mỉm môi cười thì Giao Linh mãi mãi mang theo, dù từ lâu rồi cô đã có một gia đình rất hạnh phúc.
Truờng hợp Thanh Tuyền cũng có nhiều kỷ niệm đặc biệt. Đó là vào năm 1964, tôi đi nghỉ dưởng sức ở Đàlạt. Bạn bè thân hữu ở Đài Phát Thanh đến thăm hỏi, có giới thiệu giọng hát cô bé Như Mai nhiều triển vọng. Cô là nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân, hàng tuần có tham gia hát ở Đài Phát Thanh Đàlạt. Rồi nhân dịp nghỉ hè, Trường Bùi Thị Xuân tổ chức phát thưởng bế giảng năm học, mời tôi đến dự lễ. Đến phần văn nghệ, người dẫn chương trình giới thiệu “nữ sinh Như Mai hát tặng cho khách quý đến từ Saigòn”. Giọng cô nữ sinh Bùi Thị Xuân lảnh lót cất lên, khỏe khoắn đầy nội lực thanh xuân, âm vang làm rộn rã cả sân trường. Tôi nghe cháy bỏng một ước mơ, một hy vọng mà cô bé như muốn ngỏ cùng ai. Khi chấm dứt bài hát, Như Mai ngước nhìn tôi. Tôi hiểu ý nên mời cô bé lên gặp tôi trên khán đài và hỏi: “Cháu có muốn trở thành ca sĩ không?”. Như Mai xúc động gật đầu. Sau đó tôi gập thân sinh của Như Mai và bàn chuyện đưa cô bé về Saigòn để đào tạo thành ca sĩ. Khi ấy, tôi còn độc thân, ngày ngày ăn cơm chợ, tối tối ngủ ở đơn vị, thật không tiện chút nào để đở đần một cô gái trẻ xa nhà như vậy. Thế nên, sau khi bàn bạc với Ban Giám Đốc Hãng Dĩa Continental, tôi nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đàlạt rước Như Mai về Saigòn, tá túc trong gia đình của ông, cũng là gia đình của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Diệu-Mạnh Phát thời bấy giờ. Mọi phí tổn ăn ở do Hãng Đĩa Continental đài thọ. Tôi lên chương trình đào tạo và đặt tên mới cho Như Mai là Thanh Tuyền, ý muốn nói là giòng suối xanh của Cao nguyên Đàlạt. Chỉ trong vòng 8 tháng có mặt ở thủ đô Saigòn, Thanh Tuyền đã có đĩa và băng nhạc giới thiệu với người yêu nhạc. Như con chim lạ từ xứ sương mù, một bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương, Thanh Tuyền nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của người yêu nhạc thủ đô, sánh vai cùng đàn anh đàn chị trên Đài Phát Thanh, trên sân khấu Đại Nhạc Hội, phòng trà ca nhạc, được báo giới Sàigòn không tiếc lời ca ngợi. Năm ấy, Thanh Tuyền vừa đúng 17 tuổi.
Riêng đối với tôi vẫn còn xanh mãi một kỷ niệm về ngày khởi đầu đi hát của Thanh Tuyền tại Sài Gòn. Theo chương trình, Thanh Tuyền hát ra mắt lần đầu tiên ở phòng trà Bồng Lai và Vũ trường Quốc Tế đường Lê Lợi Saigon. Tôi đích thân đi mua son phấn để cho Thanh Tuyền trang điểm khi đi hát. Tôi thật bất ngờ khi biết Thanh Tuyền chưa từng sử dụng hộp phấn cây son trước đó. Khi đến giờ trình diễn, tôi đưa Thanh Tuyền đến Viện Thẩm Mỹ, Salon Make Up, nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa vì trời đã khuya. Quá lo lắng, tôi kéo Thanh Tuyền chạy men theo đường Lê Lợi mong tìm người quen giúp đở. Nhưng không gập được ai mà thời gian lại gấp rút nên thầy và trò đành ngồi bệt ngay trên vỉa hè Lê Lợi. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi đánh phấn tô son cho Thanh Tuyền mà trước đó, tôi cũng chưa từng biết gì về cây son hộp phấn Chanel. Rồi Thanh Tuyền chạy bay lên lầu phòng trà Bồng Lai để kịp giờ trình diễn, còn tôi nện gót trên lề đường Lê Lợi, lòng ngập tràn cảm xúc khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên, đánh dấu ngày khởi nghiệp của ca sĩ Thanh Tuyền giữa thủ đô Sàigòn hoa lệ. Đến bây giờ, sau 40 năm ngồi nhớ lại, tôi dám đoan chắc rằng, đây là người thiếu nữ duy nhứt trong đời mà tôi đã kẻ lông mày, “tô son trét phấn” rồi tung con chim Sơn Ca vào bầu trời bao la, bởi vì cô là… của muôn người.
Về Hà Thanh, con chim hoạ mi đất thần kinh, người được xem như gắn liền với một số nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông, ông tâm sự
Lần đầu tiên, tôi được gập cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát Thanh Sàigòn ở số 3 đường Phan Đình Phùng ngày xưa, bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiễu. Khi ấy, tôi là Trưởng Ban TIẾNG THỜI GIAN của Đài Sàigòn với các ca sĩ như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc v.v. Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sàigòn thăm người chị gái lập gia đình với một vị Đại tá đang làm việc ở Sàigòn. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc. Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh. Tôi hiễu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễm cãm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ở đĩnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang của mình. Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho Hãng đĩa Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh là bài VỀ MÁI NHÀ XƯA do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn ban nhạc và Ban Giám Đốc Hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó, cô Hà Thanh từ giã trở về lại Huế, trở về lại với Cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như Thủ Đô Saigòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ.
Sau khi Hà Thanh trở về Huế, tôi có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt này. Tôi ví von, cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa toả hết ánh hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thễ một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy tôi đem việc này ra bàn với Ban Giám Đốc Hãng đĩa Continental để mời cô Hà Thanh vào Sàigòn cộng tác. Chính tôi viết thư mời cô Hà Thanh vào Sàigòn với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ, rất chân tình. Và cô Hà Thanh đã vào Sàigòn sau khi đã tranh đấu gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cỗ xưa của con người xứ Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Sàigòn, hoà nhập vào đời sống người Sàigòn, vào nhịp đập âm nhạc Sàigòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thâu thanh cho Đài Sàigòn, Đài Quân Đội và nhận được lời mời tới tấp của các Hãng đĩa băng nhạc như Sóng nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các Trung Tâm ở Thủ Đô Sàigòn, chứ không phải chỉ riêng cho Hãng dĩa Continental và Sơn Ca của tôi. Ngày đó, tiếng hót của con chim Sơn Ca đất Thần Kinh đã được vang thật xa, đi vào trái tim của hàng triệu người yêu mến tiếng hát Hà Thanh.
Cô Hà Thanh hát hầu hết các tác phẩm của tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến,Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt vân vân, đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công. Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật.
Tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát của tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng. Trước khi đến với Hà Thanh, tôi cũng rất ngưởng mộ tiếng hát của cô Thái Thanh, Lệ Thanh, Khánh Ngọc và nhiều người khác đã gieo khắp phương trời tiếng lòng của tôi, cũng như về sau này có thêm các cô học trò như Thanh Tuyền, Giao Linh đã giúp cho ông Thầy truyền tải đến trái tim người yêu nhạc. Nhưng đặc biệt, tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỹ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật. Sau biến cố 1975, tôi không còn dịp hợp tác với cô Hà Thanh như trước đây. Nhưng thỉnh thoảng tôi được nghe cô hát một sáng tác mới của tôi ở hải ngoại, tôi vẫn cảm thấy tiếng của cô vẫn đậm đà phong cách ngày xưa, vẫn một Hà Thanh diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã 40 năm qua.
( Theo thân hữu Internet)
Wednesday, September 16, 2015
Bình Thuận - Ngọt ngào thác reo
Thác 7 tầng
Bình Thuận - Ngọt ngào thác reo
Không chỉ có biển cả bao la thơ mộng, dãi đất miền trung này còn là bạt ngàn rừng xanh thâm thẳm ẩn chứa bên trong với vô vàn những con suối, dòng thác hùng vĩ, đẹp dịu kỳ có thể hút hồn bất kỳ ai một lần đặt chân đến.
Thác Tầm Du
Nằm ở xã Phan Điền huyện Bắc Bình, thác Tầm Du với vẻ đẹp nguyên sơ thanh khiết. Giữa bạt ngàn xanh thẩm của núi rừng, từ thượng nguồn dòng nước tuôn chảy xuống nhiều bậc đá đã bị bào mòn theo năm tháng, tiếng nước va vào đá tạo nên khúc nhạc du dương trầm bổng. Không quá ồn ào hay quá mãnh liệt, thác Tầm Du đôi khi mang vẻ dịu dàng bởi dòng chảy nhẹ nhàng, nhưng có lúc lại như tung vào khoảng không tĩnh lặng những âm thanh nồng nàn da diết khi dòng nước chảy đến những đoạn gập ghềnh. Đến hạ nguồn, dòng nước trong lành mát lạnh lại trở nên hiền hòa dễ chịu với những đợt sóng nhẹ nhàng mơn trớn những tảng đá phẳng phiu.
Thác 9 tầng Đami
Nằm trong khu vực quần thể gồm nhiều thác và suối của rừng phòng hộ Hồ Thủy điện Hàm Thuận Bắc - xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc, thác 9 tầng Đami tựa như hòn non bộ khổng lồ đặt trên độ cao khoảng 200m so với mực nước hồ thủy điện. Thác có độ cao khoảng 60m tính từ chân thác và chảy qua nhiều tầng đá nên còn được gọi là Thác 9 tầng – cái tên khá dân dã, mộc mạc nhưng khi đến nơi đây, một cảm giác giống như đang ở chốn bồng lai với mây chập chờn bay, hoa nở, bướm vờn.
Thác Yaly
Nằm sâu trong khe núi Tà Hoàng của khu rừng Tà Hoàng thuộc huyện Tuy Phong. Với độ cao khoảng 200m so với chân thác và cao hơn 1500m so với mặt nước biển, ngọn thác uy nguy, hùng vĩ, đẹp lung linh giữa núi rừng. Từ trên cao đổ xuống óng ánh một dòng nước bạc, tung bọt trắng xóa. Một bể rộng ngay dưới chân thác, không sâu lắm, nước trong veo, mát lạnh, có thể nhìn rõ từng viên đá nhỏ dưới đáy. Hoang sơ, rất nên thơ, ngọn thác như một nàng sơn ca duyên dáng, kiêu kỳ trước vẻ oai hùng của rừng núi.
Thác Trượt
Như một máng nước trượt thiên nhiên thật lý thú đầy thử thách, Thác Trượt mang dáng vẻ phóng khoáng, thư thái. Nằm giáp ranh giữa xã Mê Pu huyện Đức Linh và Đức Phú Tánh Linh, một dòng chảy mỏng manh với làn nước trong vắt để lộ đá tảng to và trơn láng đến mức có thể trượt chân trên đó. Có lẽ vì vậy mà nó được gọi là Thác Trượt.
Thác Mưa Bay
Đúng như cái tên gọi, Thác Mưa Bay thật nhẹ nhàng và dịu dàng. Nước đổ xuống theo từng tầng đá với dòng chảy êm dịu, mỗi tầng có độ dốc gần như thẳng đứng đã làm cho hàng ngàn giọt nước li ti tung bắn, như mưa phùn sa xuống giữa không trung. Chỉ nghe đến cái tên thôi là đã gợi lên trong lòng bao xúc cảm thật lãng mạn về những khoảnh khắc yêu thương, dòng thác tựa như những màn sương sa mát lạnh giăng phủ núi rừng.
Thác Đầu Trâu
Ở cách xa trung tâm xã Đức Phú huyện Tánh Linh khoảng 10km, đã có thể nghe tiếng nước thác tuôn đổ, nhẹ nhàng bay bổng một âm thanh du dương đầy quyến rũ. Ngọn thác mang âm vang tuyệt vời này chính là Thác Đầu Trâu. Sẽ không ngăn được sự tò mò với cái tên như vậy, vì đâu lại gọi cái tên thế này. Có lẽ nguyên nhân bắt nguồn từ hình dạng của nó. Dòng chảy bị rẽ đôi khi chảy xuống từ thượng nguồn, trườn qua các bậc đá gập ghềnh, rồi hội tụ nhau ở chân thác nơi mặt hồ trong vắt với bờ đá sỏi nâu sẫm đủ cỡ lớn nhỏ.
Đập Đá dựng
Đập Đá Dựng là một công trình kiến trúc có từ lâu đời có có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương. Đập nước này được xây dựng từ năm 1959, ngay trung tâm tỉnh Bình Tuy cũ nay là thị xã La Gi. Đập có bề ngang gần 100m, lòng đập sâu gần 10m. Một khung cảnh hoang sơ, thơ mộng, hữu tình bởi cảnh quan sinh thái, cây lá hai bên bờ, cùng với một quần thể đá lô nhô dưới làn nước, đập đổ nước xuống tạo nên những áng mây giăng huyền ảo. Đập Đá Dựng biến đổi cái dáng vẻ theo mùa. Mùa mưa, đập là một dòng chảy hùng dũng, mãnh liệt có vẻ như muốn cuốn theo những gì nó gặp gỡ trên hành trình. Vào mùa khô, nước sông chảy cạn thì bãi đá như sinh nở thêm nhiều, nằm phơi mình trên đáy sông lấp lánh cát vàng. Vào những đêm sáng trăng, từng cặp tình nhân ngồi bên bờ đập mải miết rung động trước ảo ảnh lung linh dáng hình tiên nữ của huyền thoại lúc hiện ra bên kè đá, lúc lấp loáng ở mặt hồ và trôi theo thác đổ. Càng về khuya, tiếng nước hoà quyện với tiếng đêm càng thêm réo rắt, nghe chừng như chỉ có từ một cõi xa xăm.
Thác Bà
Thác Bà nằm ở huyện Tánh Linh, cách trung tâm Phan Thiết khoảng 100km. Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Thác Bà như một dòng suối tóc buông xoã trắng xóa len lỏi giữa khe đá rừng cây, âm thanh róc rách dịu dàng âm ỉ suốt đêm ngày một cách bền bỉ đến khi đổ ra sông La Ngà. Đến Thác Bà, cả một khoảng trời như bừng sáng bởi dòng nước chảy qua 9 tầng với độ cao đến 20m những vẫn giữ được vẻ đằm thắm rất khó tả, Thác Bà ẩn chứa sự thi vị nhẹ nhàng qua từng tầng chảy, những phiến đá đủ cỡ nhuốm màu rong rêu của thời gian làm cho quang cảnh toàn khu vực thác bình yên đến lạ lùng.
Với những ai yêu hơi thở của núi rừng, được đắm mình trong làn nước trong xanh mát ngọt bên dưới dòng thác trắng xoá, lắng nghe tiếng hót lãnh lót của chim muôn, mọi lo toan muộn phiền và bộn bề của cuộc sống dường như tan biến, cảm giác thư thái và bình an.
Thanh Tuyền
Sunday, September 13, 2015
Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình anh Nguyễn Văn Tạo PBC69
Nhận được tin buồn Thân mẫu anh Nguyễn Văn Tạo (PBC69)
Hưởng Thọ 96 tuổi.
Thành thật chia buồn cùng anh và toàn thể gia đình tang quyến cho sự mất mác lớn lao này.
Nguyện cầu hương linh của Cụ BÀ sớm VÃNG SANH LẠC QUỐC.
PBC Hội Ngộ và Nhóm Thân Hữu PBC72
là Bà Quả Phụ Nguyễn Gia Tịnh, Nhủ danh Trương Thị Tám
Sinh năm 1919 tại Chợ Lầu, Bình Thuận, Việt Nam.
đã tạ thế vào ngày 12 tháng 9 năm 2015 tức ngày 1 tháng 8 năm Ất Mùi tại Phan Thiết Việt Nam.Hưởng Thọ 96 tuổi.
Thành thật chia buồn cùng anh và toàn thể gia đình tang quyến cho sự mất mác lớn lao này.
Nguyện cầu hương linh của Cụ BÀ sớm VÃNG SANH LẠC QUỐC.
PBC Hội Ngộ và Nhóm Thân Hữu PBC72
Đồng THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Cáo Phó
Cáo Phó
Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin đến thân bằng quyến thuộc:
Mẹ, Bà Nội, Bà Cố, Bà Sơ của
chúng tôi là:
Bà Quả Phụ Nguyễn Gia Tịnh, Nhủ danh Trương Thị Tám
Sinh năm 1919 tại Chợ Lầu, Bình Thuận, Việt Nam.
Đã mệnh chung lúc 3:05' sáng ngày Chúa nhật 13 tháng 9 năm 2015, nhằm ngày 01 tháng 8 năm Ất Mùi, tại Phan Thiết, Bình thuận, Việt Nam.
Hưởng Thượng Thọ 96 tuổi.
Tang gia đồng khấp báo:
Các con:
-Trưởng Nam - Nguyễn văn Tâm:Vợ, con, cháu , chắc (Việt Nam)
-Nguyễn văn Tình:Vợ, con, cháu (Việt Nam)
-Nguyễn văn Tố:Vợ, con, cháu (Việt Nam)
-Nguyễn văn Tạo:Vợ, con (Hoa kỳ)
-Nguyễn Gia Tân:Vợ, con, cháu (Hoa kỳ)
-Nguyễn văn Tiến:Vợ, con, cháu (Hoa kỳ)
Cháu đích tôn:Nguyễn Xuân Sơn:Vợ, con, cháu (Việt nam)
Chương trình tang lễ và thăm viếng tại Việt Nam:
-Lễ Nhập Quan, Phát tang và thăm viếng:
Chiều Chúa Nhật 13 tháng 9, 2015 và Ngày thứ Hai 14 tháng 9 năm 2015 tại từ đường Nguyễn Gia, Tuỳ Hoà, Hàm thuận bắc, thành phố Phan Thiết, Bình thuận VN
-Lễ Động Quan ngày thứ Ba 15 tháng 9 năm 2015.
-Lễ Hạ Huyệt và An táng nhằm ngày thứ Ba 15 tháng 9 năm 2015 lúc 6:00 sáng Việt Nam tại Từ Đường Nguyễn Gia thuộc Bình thuận bắc, Việt Nam.
Cáo Phó này thay thế thiệp tang, xin miễn Phúng Điếu.
Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin đến thân bằng quyến thuộc:
Cáo Phó này thay thế thiệp tang, xin miễn Phúng Điếu và vòng hoa.
Lễ Phát tang và Tưởng Niệm Tại Hoa Kỳ
Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin đến thân bằng quyến thuộc:
Mẹ, Bà Nội, Bà Cố, Bà Sơ của chúng tôi là:
Bà Quả Phụ Nguyễn Gia Tịnh, Nhủ danh Trương Thị Tám
Sinh năm 1919 tại Chợ Lầu, Bình Thuận, Việt Nam.
Đã mệnh chung lúc 3:05' sáng ngày Chúa nhật 13 tháng 9 năm 2015, nhằm ngày 01 tháng 8 năm Ất Mùi, tại Phan Thiết, Bình thuận, Việt Nam.
Hưởng Đại Thọ 96 tuổi.
Lễ Phát tang và Tưởng Niệm sẽ đựợc tổ chức:
Ngày thứ Bảy 19 tháng 9, 2015 tại Huntington Beach California
Lúc 1:00PM
Tại Grace Lutheran Church
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
949-690-2964 (Cell)
Tang gia đồng khấp báo:
-Thứ nam - Nguyễn văn Tạo:Vợ, con (Hoa kỳ)
-Thứ Nam - Nguyễn Gia Tân:Vợ, con, cháu (Hoa kỳ)
-Thứ nam - Nguyễn văn Tiến:Vợ, con, cháu (Hoa kỳ)
Nguyễn Văn Taọ PBC69
Huế và Phan Thiết.
Tôi cất tiếng khóc chào đời trong thời loạn ly. Ba tôi đi tập kết, rồi không bao giờ có tin gì về nhà nữa. Mẹ tôi giao tôi cho Bà Ngoại nuôi, và giấy khai sanh của tôi đứng tên Dì và Dượng tôi, như là Cha và Mẹ ruột của tôi.
Mẹ tôi đi lấy chồng khác khi tôi còn đỏ hỏn! Mẹ Tôi đi làm trong Bệnh Viện ở Sài Gòn. Rồi nỗi buồn thảm đã sớm đi vào đời tôi! Dì và Dượng tôi bị tai nạn xe, chết ngay trên đường đèo Sài Gòn - Đà Lạt. Dù lúc ấy chỉ mới 4 tuổi, sao tôi vẫn nhớ đến những năm 1953 - 1954, Tây đánh phá ở Huế. Hai bà Cháu lúc ấy ở Gia-Hội, Bà Ngoại làm việc cho Nhà Thuơng Morin, phòng Hộ Sinh.
Lúc Tây làm dữ, đập phá các nhà, các cửa hàng, bắn ầm ầm, tôi không có ở nhà mà qua bên nhà Dì M.T chơi. Bà lo sợ tìm tôi khắp nơi... trong lúc loạn lạc, súng nổ, đạn bay, lính Tây hung ác... mãi mới tìm ra được tôi. Bà la mắng, dọa đánh 100 roi!... Tôi vòng tay xin lỗi và hứa từ nay con sẽ không dám làm Bà buồn lòng nữa !
Có lần Bà đã bồng tôi lên giường nằm ngủ, bỗng có người từ trên Bệnh Viện gõ cửa gọi, Bà phải đi gấp trong đêm khuya vì có sản phụ sinh khó. Làm xong việc, Bà về lại nhà lên giường mở mùng tìm tôi: không có! Bà hốt hoảng tìm kiếm khắp nơi, kêu tên tôi, hỏi thăm mọi người quanh xóm mãi vẫn không thấy... Cuối cùng, rất lâu sau đó, Bà tìm thấy Tôi ngủ ngon lành dưới đất, trong gầm giường! Có lẽ là đã ngủ say quá, lăn xuống đất hồi nào không hay, rồi lại ham ngủ tiếp nằm mãi dưới gầm giường không ra, làm cho Bà một phen hết hồn!
Thế rồi Tây về nuớc, Bà Ngoại hết làm cho Bệnh Viện Morin, Bà đổi đi làm cho Bệnh Viện công Phan Thiết, phòng Sinh. Hai Bà Cháu ở trong ngôi nhà nằm ngay trên đường Hải Thượng Lãn Ông, gần Bệnh viện Phan Thiết, còn được gọi là đường Nhà Thương. Đi đâu Bà cũng dẫn tôi theo, còn tôi, vì thiếu tình thương của cả Cha lẫn Mẹ nên tôi cứ quấn quýt quanh Bà.
Bà có những nguời bạn quen thân, cũng gốc ở Huế vào Phan Thiết, nhà cùng trong xóm, và cùng làm việc trên Bệnh Viện, như Mẹ của Túy (Cô bạn hơn tôi vài tuổi). Mẹ của Túy cũng làm việc ở Phòng Sinh, cùng chỗ với Ba. Có lần, thấy Túy đeo trên cổ cái kiềng vàng mới, đẹp quá, Túy khoe Mẹ mới mua cho, tôi về nhà, khóc, đòi Bà mua cho bằng đuợc cây kiềng vàng giống như cái của Túy, tức thì.
Bà dỗ dành: "Chừ tối rồi, ai mà bán! Ngày mai tiệm mở, Bà mua cho con".
Tôi nghe cũng xiêu lòng, rồi nín khóc, nín đòi, rồi quên đi. Mà Túy cũng không mang kiềng vàng nữa, Ba Túy không cho con đeo vàng vì sợ nguy hiểm cho con.
Thời gian tôi ở Phan Thiết không lâu, mà sao tôi thương cái xứ ấy chi lạ!
Tôi nhớ những Cồn Cát trắng, tôi nhớ Lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi ở Phú Hài, và gần đó là Tháp Chàm cổ kính, bí ẩn. Tôi nhớ Biển Thương Chánh : Tôi đã đi tắm, nhảy sóng, vọc nước, làm bánh bằng cát, xây nhà trên bãi cát... với mấy Chị Em nhà Túy. Rồi Phú Hài, Mũi Né, Vĩnh Thủy... đâu đâu cũng thấy rừng dừa và những hàng dương chao đão trong gió lộng, tàng cây mềm mại cho bóng mát chống cái nắng gay gắt ban trưa... Đường Nhà Thuơng, dưới những cây cột đèn, người ta bán Ốc Hương, Ốc Ruốc, Bánh Căng, Mía... Mọi người ngồi trên cái ghế gỗ rất thấp, tay cầm chén có bỏ tóp mỡ và nước mắm đỏ, chanh, tỏi, đường, ớt... chờ cho Bánh Căng chín vàng... Chao ơi, ngon quá !
Bà và Cha Mẹ Túy vẫn dặn dò bọn trẻ không được ăn thức ăn bán ngoài đường, ruồi bu kiến đậu, người ta làm không sạch, ăn vô sẽ bị đau bụng đi chảy... Nên cả bọn trẻ dặn nhỏ vào tai nhau về nhà nói láo với Cha Mẹ và Bà !
Ngày xưa, khi tôi còn bé, Phan Thiết nồng nặc mùi nước mắm, mùi cá, mùi các loại mắm như : mắm sặc, mắm thu, mắm mòi, mắm dảnh... , mùi ruốc, mùi xác cá... Người đi ngang qua Phan Thiết vẫn bịt mũi chê hôi tanh. Người nơi khác vẫn chế diễu Phan Thiết và người ở Phan Thiết về các mùi ấy !... Mà thật, những bao xác cá bốc mùi nhiều ngày nằm ở sân ga Phan Thiết hay ở vùng Thùng Lều nước mắm, chờ chở đi các nơi khác làm phân bón cho cây, những hũ mắm, tĩn nước mắm chất cao chờ xe bốc dở đi các tỉnh... làm Phan Thiết mang tiếng, không oan Thị Kính chút nào ! Nhưng tôi vẫn thấy thích Phan Thiết và yêu Phan Thiết vì nơi đó đã gắn liền với một phần đời tôi thuở thơ ấu, êm ấm sống với Bà.
Tôi nhớ Phan Thiết với những chiếc bánh rế chiên vàng, ngọt lịm, tươm mật mía đường, có rắc chút mè, thơm lạ lùng, sao mà ngon chi lạ !
Bà Ngoại hay tự tay làm món gỏi cá Mai danh bất hư truyền, ai đi tới Phan Thiết hay đi xa khỏi Phan Thiết đều nhắc nhở... Cá nục tươi thuyền chài vừa đánh về, Bà đem hấp, hai Bà cháu chấm cá với mắm nêm, thêm vào rau sống, bún. Đôi khi gói tất cả rau thơm, bún, cá trong bánh tráng để chấm mắm trộn với tỏi, ớt giã nhỏ, riềng, thơm, chanh, đường... Bà mua đuợc cá tuơi hay các loại mắm ngon nhờ quen với các Thùng Lều hay ghe chài bên Cồn, ghe vừa về bến là Họ gánh bán ngay, tận nhà.
Cốm Phan Thiết thì tôi nhớ đời ! Một chút gừng, một chút Me chua, và Cốm dẻo dính răng vì mật mía... ngon chi lạ!
Tuy ngày ấy còn bé lắm mà tôi không quên chi cả, tôi nhớ trong Động có nhiều Cồn Cát, có những đứa trẻ thả diều, sáo kêu vi vu... vi vu... Ở trong đó có nhiều cây Mãng Cầu, có 2 loại trái Mãng Cầu : dai hay bở, cắn vào nước chảy ra trong răng, ngọt lịm, nhớ đời !... Có lần tôi cùng Túy chơi đào giếng ở Cồn Cát, mới khoét có chút xíu đất cát thì đã thấy có nước chảy ra, khoái chí quá, 2 đứa càng đào sâu hơn để lấy nước trong giếng dùng chơi nấu ăn. Chúng tôi đi xe đạp trong nhà Cha mẹ Túy, đi xe đạp núp dưới gầm bàn trốn mọi người, và tưởng tượng là cho xe vô nhà chứa xe.
Bà ơi, con nhớ Bà lắm, Bà dạy con cách ăn, cách nói, cách đứng, cách ngồi… sao cho phải phép. Trong bữa ăn, ngậm miệng nhai từ tốn, không đuợc chắp. Trước khi ăn phải nhớ nói : "Mời Bà thời cơm".
Đi phải thưa, về phải trình : " Thưa Bà con đi học", " Thưa Bà con về"...
Giường ngủ chăn màn xếp dọn, trãi khăn phủ thẳng tắp. Áo quần trong tủ ngăn nắp trật tự. Còn bao điều Bà dạy cho tôi, không sao kể hết... Bà ơi, bây giờ Con cũng dạy cho các Con của Con những điều mà Bà đã dạy cho Con ngày ấy, giống y hệt.
Rồi Bà đau rất nặng, nhưng Bà trối trăn nhờ Ba Túy dẫn Tôi đi cắt tóc ở tiệm gần Bệnh Viện Phan Thiết, gần dãy 30 căn.
Ngày Bà mất, Tôi mới 7 tuổi. Tôi chẳng biết chết là gì... chỉ nghe người ta nói là Bà đã chết. Tôi ngây ngô và vì thương Bà, tôi nằng nặc đòi nằm trong cái hòm với Bà để ngủ chung như những đêm trước đó, bên Bà ! Mọi người ngăn cấm, cản trở, tôi giận dữ chạy quanh nhà khóc sướt mướt : Bà ơi !...Bà Ngoại ơi !! .
Khi hấp hối, vì không có Bà Con ruột thịt ở bên cạnh, Bà đã trăn trối với những người Bạn là Ba Mẹ của Tuý, giao hết tiền, vàng bạc, nữ trang (mà Bà đã tiện tặn dành dụm suốt 1 đời đi làm trong Bệnh Viện) cho Ba Mạ Túy nhờ trao lại, sau này, cho người Em ruột ở Huế hay đưa cho Mẹ tôi, vì Mẹ tôi đã đi tu nghiệp về y tế ở tận Canada.
Ba Mẹ Túy đã dùng một phần số tiền Bà để lại để trả $ thuốc thang cho Bà khi Bà ngã bệnh và cùng vài người bạn, lo đám tang cho Bà, cùng việc cúng giỗ trong Chùa và đưa Bà ra ngôi mộ.
Xong việc ma chay, Ba Mạ Túy thấy tôi một mình buồn rầu khóc Bà trong căn nhà trống vắng nên đưa tôi về nhà chơi với mấy người con trong nhà, để may ra tôi có bớt buồn hay không. Mà tôi cũng tạm nguôi ngoai một chút, vì nhà ấy có con Nhồng biết nói, biết cười giống y như người ta. Nó cười dòn dã, nó nói huyên thuyên...
Túy cho nó ăn trái cây, ăn ớt giã nhỏ, và bảo tôi :
- "Đừng có đứng sát gần chuồng Nhồng quá, nó có thể mổ mắt Mình ! ". Tôi le lưỡi, lẹ làng dang ra.
Phía trên chuồng Nhồng là 1 giàn nho, chùm trái treo lũng lẵng, nhưng mà rất chua, chỉ để nhìn, không ăn đuợc. Vườn sau là gốc chuối với nải Chuối treo dài xuống đất. Tôi vẫn đứng nhìn Túy cho đàn gà, vịt, ngỗng, gà Tây, gà Sao ăn thóc và uống nuớc. Trong vuờn có mấy cây dừa, mấy cây trứng cá ngọt lịm và thơm và 1 cây Me, trái cong vòng, bọn trẻ vẫn chấm trái Me ăn với mắm Ruốc, chua nhức răng và nhăn mặt.
Chúng tôi lại lén Cha Mẹ Túy đi ăn bánh căng, đi lễ ốc Ruốc... Chúng tôi lại có dịp đi xe đạp, chở nhau, ở trong nhà... ra chợ Gò, Phường Phú Trinh, mua Bánh Tráng Mạch Nha, mua những vòng trái Bồ Quân ngọt màu nâu sẫm, đeo vào cổ, bứt ăn dần... vô chơi trong Động Cát...
Rồi Ông Cậu từ Huế vào, rồi Mẹ từ Canada về. Hai nguời khóc lóc đi thăm mộ Bà và sau đó Mẹ giao tôi cho Ông Cậu đem về Huế ở với gia đình Ông. Ba Má Túy cũng giao số tiền, của cất giùm Bà cho Mẹ tôi.
Mùa Hè năm 1957, Tôi về xứ Huế, mùa Phượng đỏ có ve sầu kêu liên miên… Tôi theo bọn trẻ đi bắt ve bằng mủ Mít, tìm ve theo tiếng nó phát ra. Ngày nghỉ học, tôi đạp xe lên Nam Giao, tới nhà Dì M, cậu Út. Ở đây vui, vì có hồ cá rộng, Duợng hay thả Cám cho cá ăn và những lần Ông đi săn Chồn, chúng tôi đuợc ăn thịt Chồn. Nghĩ lại thấy mà ghê ! Dì, Cậu hay dành những chùm khế ngọt hay ổi chín cho tôi, nên tôi khoái lên đây lắm. Tôi ở vùng Phú Cam, đi học phải qua hai cái Miễu thờ khói nhang âm u. Không biết ai đã dạy cho tôi mà khi nào đi ngang qua đây là tôi bấm tay chữ Vạn và niệm Phật cho Ma Quỷ không nhập vào Mình ! Theo với thời gian, tôi đã bớt buồn, bớt khóc khi nhớ Bà. Nhưng vẫn luôn luôn nhớ Bà, không gì có thể thay thế được Bà !!.
Ở nhà Ông Cậu, thấy hai Dì gánh nước, tôi cũng gánh, cho là 1 trò vui. Họ tập cho tôi lúc đầu gánh 1 chút, sau tôi gánh được đầy thùng, thấy cũng thích thú. Khi tôi lên 13 tuổi, tôi bắt đầu suy nghĩ: "Gánh nước, làm việc nhà… không phải là trò chơi !”.
Tôi nói với Thu, cô bạn thân mỗi ngày cùng tôi đạp xe đi học, và kể cho Thu nghe rằng :
- "Ngày xưa, Bà tao khi còn sống có kể rằng: tên Cha Mẹ trên giấy tờ của tao không phải là Cha Mẹ thật, cái Bà ở Sài Gòn mới là Mẹ ruột của tao ".
Thu bàn mưu tính kế cho tôi :
- "Rứa thì Mi viết thơ vô Sài Gòn, Mi kêu đại Bà bằng Mẹ, Mi nói Mi ở đây khổ lắm, buồn lắm... Mi nhớ Bà lắm, Mi phải năn nỉ xin Bà đem Mi vô Sài Gòn ở, mà phải xin cho bằng được!
Ở Sài Gòn sướng lắm, vui lắm! Tao chắc chắn với mi như vậy ! Nghe nói đường xá, nhà cửa ở Sài Gòn rộng lắm, đẹp lắm, đèn sáng trưng... bao nhiêu là xe hơi... Còn nếu Mạ Mi không chịu đem Mi vô Sài Gòn thì Mi trốn qua nhà Tao ở, Cha Mẹ Tao dễ tánh và thương người lắm, Tao sẽ xin Ba Mạ Tao nhận nuôi mi ! Mà nhớ lấy địa chỉ của Ba Tao làm trong Nhà Thương Huế để gởi thơ , không cho ai hay biết chuyện ni hết !".
Tôi nghe lời Thu, tôi đã viết thư cho Mẹ tôi. Hai tuần sau tôi nhận được thư Mẹ tôi trả lời. Mẹ viết là Cô T. sẽ đưa tôi vào Sài Gòn ở với Mẹ.
Thu đạp xe đưa ngay thơ cho tôi. Nghe tôi đọc thơ xong, Thu mừng quá, ôm Tôi, rồi sau đó, chợt nhớ ra là sẽ xa tôi, Thu khóc.
Tôi cũng khóc theo. Hai đứa đã ôm nhau khóc hết nước mắt ...!
Cuộc sống ở Sài Gòn đúng là văn minh, đầy đủ vật chất hơn, nhưng lòng tôi sao cứ nhớ hoài Bà và Cô bạn tốt thuở nhỏ : Thu.
Rồi tôi đi qua sống ở Paris (Pháp) theo diện sum họp gia đình. Tôi đã phấn đấu rất nhiều để có bằng cấp và 1 nghề trong tay, rồi tôi lo toan mọi công việc từ lớn tới nhỏ cho cơ sở làm ăn do chính tôi lập ra, cùng lúc chăm sóc nuôi dạy mấy đứa con, với sự giúp đỡ của chồng tôi.
Có mấy mùa Hè, Cô bạn hồi nhỏ của tôi ở Phan Thiết, Túy, tới nhà tôi chơi ở vùng phụ cận Paris, chúng tôi đã bày ra làm những món đặc sản của Phan Thiết : Cá nục kho ăn với bún, rau thơm trồng trong vườn, tuơi xanh vì mới bứt. Vừa xong một bữa ăn là đã tính tới bữa kế tiếp sẽ nấu món gì trong số các món ở Phan Thiết …!"
- “Ngày mai nấu Mì Quảng nhé, tối nay thì món vịt hầm măng ...".
Rồi chè chuối, bánh khoai mì, bánh da lợn ...
Rồi sau đó hai người cùng la hoảng :
- " Chết rồi ! Mình lên cân !".
Làm sao mà vừa thưởng thức các món đặc biệt của Phan Thiết mà khỏi phải lên cân ?
Trước nhà tôi là một cây cột đèn điện, ánh sáng lan vào vườn Hồng, tỏa sáng trên bàn ăn đặt ngoài trời, cạnh những khóm Hồng đại đóa thơm ngát. Hai Chị Em ngồi vào bàn, ăn những món Phan Thiết và nhắc lại hoài những kỷ niệm thơ ấu ở Phan Thiết. Đã có quá đủ điều kiện cần thiết để gợi lại giấc mơ xưa… Chúng mình đã hẹn nhau rồi, sẽ về Phan Thiết để đi tắm biển, ngồi dưới cây cột đèn đường Nhà Thương, ăn lại Bánh Căng... để những giấc mơ đã qua sống lại, trong ngày nay, qua ngày mai...
Ngày hôm nay, ngồi trong khu vườn Hồng quanh căn nhà của tôi vùng phụ cận Paris, Tôi đã tự tay trồng hoa, trồng cây, làm vườn và săn sóc tưới bón vườn mỗi ngày, các con tôi quanh quẩn bên cạnh. Tôi đã có trong tay một mái ấm gia đình sau nhiều năm làm lụng phấn đấu trong xã hội phương Tây này, nhưng sao lòng Tôi vẫn hướng về những kỷ niệm với Bà và với Cô bạn hồi nhỏ: Thu.
Tất cả đã xa, nhưng tất cả vẫn sống động và rõ nét những lần tôi ngồi nhớ lại quá khứ... Những kỹ niệm ngày thơ làm rưng rưng nước mắt, nhưng cũng đã làm ấm lòng người xa Quê hương, xa Phan Thiết, xa Huế.
Tôi tự nhủ : Rồi sẽ về thăm Huế, thăm Thu, thăm Mộ Bà, thăm Phan Thiết... để những giấc mơ đã qua sẽ sống lại...
Hồng Cúc
Mẹ tôi đi lấy chồng khác khi tôi còn đỏ hỏn! Mẹ Tôi đi làm trong Bệnh Viện ở Sài Gòn. Rồi nỗi buồn thảm đã sớm đi vào đời tôi! Dì và Dượng tôi bị tai nạn xe, chết ngay trên đường đèo Sài Gòn - Đà Lạt. Dù lúc ấy chỉ mới 4 tuổi, sao tôi vẫn nhớ đến những năm 1953 - 1954, Tây đánh phá ở Huế. Hai bà Cháu lúc ấy ở Gia-Hội, Bà Ngoại làm việc cho Nhà Thuơng Morin, phòng Hộ Sinh.
Lúc Tây làm dữ, đập phá các nhà, các cửa hàng, bắn ầm ầm, tôi không có ở nhà mà qua bên nhà Dì M.T chơi. Bà lo sợ tìm tôi khắp nơi... trong lúc loạn lạc, súng nổ, đạn bay, lính Tây hung ác... mãi mới tìm ra được tôi. Bà la mắng, dọa đánh 100 roi!... Tôi vòng tay xin lỗi và hứa từ nay con sẽ không dám làm Bà buồn lòng nữa !
Có lần Bà đã bồng tôi lên giường nằm ngủ, bỗng có người từ trên Bệnh Viện gõ cửa gọi, Bà phải đi gấp trong đêm khuya vì có sản phụ sinh khó. Làm xong việc, Bà về lại nhà lên giường mở mùng tìm tôi: không có! Bà hốt hoảng tìm kiếm khắp nơi, kêu tên tôi, hỏi thăm mọi người quanh xóm mãi vẫn không thấy... Cuối cùng, rất lâu sau đó, Bà tìm thấy Tôi ngủ ngon lành dưới đất, trong gầm giường! Có lẽ là đã ngủ say quá, lăn xuống đất hồi nào không hay, rồi lại ham ngủ tiếp nằm mãi dưới gầm giường không ra, làm cho Bà một phen hết hồn!
Thế rồi Tây về nuớc, Bà Ngoại hết làm cho Bệnh Viện Morin, Bà đổi đi làm cho Bệnh Viện công Phan Thiết, phòng Sinh. Hai Bà Cháu ở trong ngôi nhà nằm ngay trên đường Hải Thượng Lãn Ông, gần Bệnh viện Phan Thiết, còn được gọi là đường Nhà Thương. Đi đâu Bà cũng dẫn tôi theo, còn tôi, vì thiếu tình thương của cả Cha lẫn Mẹ nên tôi cứ quấn quýt quanh Bà.
Bà có những nguời bạn quen thân, cũng gốc ở Huế vào Phan Thiết, nhà cùng trong xóm, và cùng làm việc trên Bệnh Viện, như Mẹ của Túy (Cô bạn hơn tôi vài tuổi). Mẹ của Túy cũng làm việc ở Phòng Sinh, cùng chỗ với Ba. Có lần, thấy Túy đeo trên cổ cái kiềng vàng mới, đẹp quá, Túy khoe Mẹ mới mua cho, tôi về nhà, khóc, đòi Bà mua cho bằng đuợc cây kiềng vàng giống như cái của Túy, tức thì.
Bà dỗ dành: "Chừ tối rồi, ai mà bán! Ngày mai tiệm mở, Bà mua cho con".
Tôi nghe cũng xiêu lòng, rồi nín khóc, nín đòi, rồi quên đi. Mà Túy cũng không mang kiềng vàng nữa, Ba Túy không cho con đeo vàng vì sợ nguy hiểm cho con.
Thời gian tôi ở Phan Thiết không lâu, mà sao tôi thương cái xứ ấy chi lạ!
Tôi nhớ những Cồn Cát trắng, tôi nhớ Lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi ở Phú Hài, và gần đó là Tháp Chàm cổ kính, bí ẩn. Tôi nhớ Biển Thương Chánh : Tôi đã đi tắm, nhảy sóng, vọc nước, làm bánh bằng cát, xây nhà trên bãi cát... với mấy Chị Em nhà Túy. Rồi Phú Hài, Mũi Né, Vĩnh Thủy... đâu đâu cũng thấy rừng dừa và những hàng dương chao đão trong gió lộng, tàng cây mềm mại cho bóng mát chống cái nắng gay gắt ban trưa... Đường Nhà Thuơng, dưới những cây cột đèn, người ta bán Ốc Hương, Ốc Ruốc, Bánh Căng, Mía... Mọi người ngồi trên cái ghế gỗ rất thấp, tay cầm chén có bỏ tóp mỡ và nước mắm đỏ, chanh, tỏi, đường, ớt... chờ cho Bánh Căng chín vàng... Chao ơi, ngon quá !
Bà và Cha Mẹ Túy vẫn dặn dò bọn trẻ không được ăn thức ăn bán ngoài đường, ruồi bu kiến đậu, người ta làm không sạch, ăn vô sẽ bị đau bụng đi chảy... Nên cả bọn trẻ dặn nhỏ vào tai nhau về nhà nói láo với Cha Mẹ và Bà !
Ngày xưa, khi tôi còn bé, Phan Thiết nồng nặc mùi nước mắm, mùi cá, mùi các loại mắm như : mắm sặc, mắm thu, mắm mòi, mắm dảnh... , mùi ruốc, mùi xác cá... Người đi ngang qua Phan Thiết vẫn bịt mũi chê hôi tanh. Người nơi khác vẫn chế diễu Phan Thiết và người ở Phan Thiết về các mùi ấy !... Mà thật, những bao xác cá bốc mùi nhiều ngày nằm ở sân ga Phan Thiết hay ở vùng Thùng Lều nước mắm, chờ chở đi các nơi khác làm phân bón cho cây, những hũ mắm, tĩn nước mắm chất cao chờ xe bốc dở đi các tỉnh... làm Phan Thiết mang tiếng, không oan Thị Kính chút nào ! Nhưng tôi vẫn thấy thích Phan Thiết và yêu Phan Thiết vì nơi đó đã gắn liền với một phần đời tôi thuở thơ ấu, êm ấm sống với Bà.
Tôi nhớ Phan Thiết với những chiếc bánh rế chiên vàng, ngọt lịm, tươm mật mía đường, có rắc chút mè, thơm lạ lùng, sao mà ngon chi lạ !
Bà Ngoại hay tự tay làm món gỏi cá Mai danh bất hư truyền, ai đi tới Phan Thiết hay đi xa khỏi Phan Thiết đều nhắc nhở... Cá nục tươi thuyền chài vừa đánh về, Bà đem hấp, hai Bà cháu chấm cá với mắm nêm, thêm vào rau sống, bún. Đôi khi gói tất cả rau thơm, bún, cá trong bánh tráng để chấm mắm trộn với tỏi, ớt giã nhỏ, riềng, thơm, chanh, đường... Bà mua đuợc cá tuơi hay các loại mắm ngon nhờ quen với các Thùng Lều hay ghe chài bên Cồn, ghe vừa về bến là Họ gánh bán ngay, tận nhà.
Cốm Phan Thiết thì tôi nhớ đời ! Một chút gừng, một chút Me chua, và Cốm dẻo dính răng vì mật mía... ngon chi lạ!
Tuy ngày ấy còn bé lắm mà tôi không quên chi cả, tôi nhớ trong Động có nhiều Cồn Cát, có những đứa trẻ thả diều, sáo kêu vi vu... vi vu... Ở trong đó có nhiều cây Mãng Cầu, có 2 loại trái Mãng Cầu : dai hay bở, cắn vào nước chảy ra trong răng, ngọt lịm, nhớ đời !... Có lần tôi cùng Túy chơi đào giếng ở Cồn Cát, mới khoét có chút xíu đất cát thì đã thấy có nước chảy ra, khoái chí quá, 2 đứa càng đào sâu hơn để lấy nước trong giếng dùng chơi nấu ăn. Chúng tôi đi xe đạp trong nhà Cha mẹ Túy, đi xe đạp núp dưới gầm bàn trốn mọi người, và tưởng tượng là cho xe vô nhà chứa xe.
Bà ơi, con nhớ Bà lắm, Bà dạy con cách ăn, cách nói, cách đứng, cách ngồi… sao cho phải phép. Trong bữa ăn, ngậm miệng nhai từ tốn, không đuợc chắp. Trước khi ăn phải nhớ nói : "Mời Bà thời cơm".
Đi phải thưa, về phải trình : " Thưa Bà con đi học", " Thưa Bà con về"...
Giường ngủ chăn màn xếp dọn, trãi khăn phủ thẳng tắp. Áo quần trong tủ ngăn nắp trật tự. Còn bao điều Bà dạy cho tôi, không sao kể hết... Bà ơi, bây giờ Con cũng dạy cho các Con của Con những điều mà Bà đã dạy cho Con ngày ấy, giống y hệt.
Rồi Bà đau rất nặng, nhưng Bà trối trăn nhờ Ba Túy dẫn Tôi đi cắt tóc ở tiệm gần Bệnh Viện Phan Thiết, gần dãy 30 căn.
Ngày Bà mất, Tôi mới 7 tuổi. Tôi chẳng biết chết là gì... chỉ nghe người ta nói là Bà đã chết. Tôi ngây ngô và vì thương Bà, tôi nằng nặc đòi nằm trong cái hòm với Bà để ngủ chung như những đêm trước đó, bên Bà ! Mọi người ngăn cấm, cản trở, tôi giận dữ chạy quanh nhà khóc sướt mướt : Bà ơi !...Bà Ngoại ơi !! .
Khi hấp hối, vì không có Bà Con ruột thịt ở bên cạnh, Bà đã trăn trối với những người Bạn là Ba Mẹ của Tuý, giao hết tiền, vàng bạc, nữ trang (mà Bà đã tiện tặn dành dụm suốt 1 đời đi làm trong Bệnh Viện) cho Ba Mạ Túy nhờ trao lại, sau này, cho người Em ruột ở Huế hay đưa cho Mẹ tôi, vì Mẹ tôi đã đi tu nghiệp về y tế ở tận Canada.
Ba Mẹ Túy đã dùng một phần số tiền Bà để lại để trả $ thuốc thang cho Bà khi Bà ngã bệnh và cùng vài người bạn, lo đám tang cho Bà, cùng việc cúng giỗ trong Chùa và đưa Bà ra ngôi mộ.
Xong việc ma chay, Ba Mạ Túy thấy tôi một mình buồn rầu khóc Bà trong căn nhà trống vắng nên đưa tôi về nhà chơi với mấy người con trong nhà, để may ra tôi có bớt buồn hay không. Mà tôi cũng tạm nguôi ngoai một chút, vì nhà ấy có con Nhồng biết nói, biết cười giống y như người ta. Nó cười dòn dã, nó nói huyên thuyên...
Túy cho nó ăn trái cây, ăn ớt giã nhỏ, và bảo tôi :
- "Đừng có đứng sát gần chuồng Nhồng quá, nó có thể mổ mắt Mình ! ". Tôi le lưỡi, lẹ làng dang ra.
Phía trên chuồng Nhồng là 1 giàn nho, chùm trái treo lũng lẵng, nhưng mà rất chua, chỉ để nhìn, không ăn đuợc. Vườn sau là gốc chuối với nải Chuối treo dài xuống đất. Tôi vẫn đứng nhìn Túy cho đàn gà, vịt, ngỗng, gà Tây, gà Sao ăn thóc và uống nuớc. Trong vuờn có mấy cây dừa, mấy cây trứng cá ngọt lịm và thơm và 1 cây Me, trái cong vòng, bọn trẻ vẫn chấm trái Me ăn với mắm Ruốc, chua nhức răng và nhăn mặt.
Chúng tôi lại lén Cha Mẹ Túy đi ăn bánh căng, đi lễ ốc Ruốc... Chúng tôi lại có dịp đi xe đạp, chở nhau, ở trong nhà... ra chợ Gò, Phường Phú Trinh, mua Bánh Tráng Mạch Nha, mua những vòng trái Bồ Quân ngọt màu nâu sẫm, đeo vào cổ, bứt ăn dần... vô chơi trong Động Cát...
Rồi Ông Cậu từ Huế vào, rồi Mẹ từ Canada về. Hai nguời khóc lóc đi thăm mộ Bà và sau đó Mẹ giao tôi cho Ông Cậu đem về Huế ở với gia đình Ông. Ba Má Túy cũng giao số tiền, của cất giùm Bà cho Mẹ tôi.
Mùa Hè năm 1957, Tôi về xứ Huế, mùa Phượng đỏ có ve sầu kêu liên miên… Tôi theo bọn trẻ đi bắt ve bằng mủ Mít, tìm ve theo tiếng nó phát ra. Ngày nghỉ học, tôi đạp xe lên Nam Giao, tới nhà Dì M, cậu Út. Ở đây vui, vì có hồ cá rộng, Duợng hay thả Cám cho cá ăn và những lần Ông đi săn Chồn, chúng tôi đuợc ăn thịt Chồn. Nghĩ lại thấy mà ghê ! Dì, Cậu hay dành những chùm khế ngọt hay ổi chín cho tôi, nên tôi khoái lên đây lắm. Tôi ở vùng Phú Cam, đi học phải qua hai cái Miễu thờ khói nhang âm u. Không biết ai đã dạy cho tôi mà khi nào đi ngang qua đây là tôi bấm tay chữ Vạn và niệm Phật cho Ma Quỷ không nhập vào Mình ! Theo với thời gian, tôi đã bớt buồn, bớt khóc khi nhớ Bà. Nhưng vẫn luôn luôn nhớ Bà, không gì có thể thay thế được Bà !!.
Ở nhà Ông Cậu, thấy hai Dì gánh nước, tôi cũng gánh, cho là 1 trò vui. Họ tập cho tôi lúc đầu gánh 1 chút, sau tôi gánh được đầy thùng, thấy cũng thích thú. Khi tôi lên 13 tuổi, tôi bắt đầu suy nghĩ: "Gánh nước, làm việc nhà… không phải là trò chơi !”.
Tôi nói với Thu, cô bạn thân mỗi ngày cùng tôi đạp xe đi học, và kể cho Thu nghe rằng :
- "Ngày xưa, Bà tao khi còn sống có kể rằng: tên Cha Mẹ trên giấy tờ của tao không phải là Cha Mẹ thật, cái Bà ở Sài Gòn mới là Mẹ ruột của tao ".
Thu bàn mưu tính kế cho tôi :
- "Rứa thì Mi viết thơ vô Sài Gòn, Mi kêu đại Bà bằng Mẹ, Mi nói Mi ở đây khổ lắm, buồn lắm... Mi nhớ Bà lắm, Mi phải năn nỉ xin Bà đem Mi vô Sài Gòn ở, mà phải xin cho bằng được!
Ở Sài Gòn sướng lắm, vui lắm! Tao chắc chắn với mi như vậy ! Nghe nói đường xá, nhà cửa ở Sài Gòn rộng lắm, đẹp lắm, đèn sáng trưng... bao nhiêu là xe hơi... Còn nếu Mạ Mi không chịu đem Mi vô Sài Gòn thì Mi trốn qua nhà Tao ở, Cha Mẹ Tao dễ tánh và thương người lắm, Tao sẽ xin Ba Mạ Tao nhận nuôi mi ! Mà nhớ lấy địa chỉ của Ba Tao làm trong Nhà Thương Huế để gởi thơ , không cho ai hay biết chuyện ni hết !".
Tôi nghe lời Thu, tôi đã viết thư cho Mẹ tôi. Hai tuần sau tôi nhận được thư Mẹ tôi trả lời. Mẹ viết là Cô T. sẽ đưa tôi vào Sài Gòn ở với Mẹ.
Thu đạp xe đưa ngay thơ cho tôi. Nghe tôi đọc thơ xong, Thu mừng quá, ôm Tôi, rồi sau đó, chợt nhớ ra là sẽ xa tôi, Thu khóc.
Tôi cũng khóc theo. Hai đứa đã ôm nhau khóc hết nước mắt ...!
Cuộc sống ở Sài Gòn đúng là văn minh, đầy đủ vật chất hơn, nhưng lòng tôi sao cứ nhớ hoài Bà và Cô bạn tốt thuở nhỏ : Thu.
Rồi tôi đi qua sống ở Paris (Pháp) theo diện sum họp gia đình. Tôi đã phấn đấu rất nhiều để có bằng cấp và 1 nghề trong tay, rồi tôi lo toan mọi công việc từ lớn tới nhỏ cho cơ sở làm ăn do chính tôi lập ra, cùng lúc chăm sóc nuôi dạy mấy đứa con, với sự giúp đỡ của chồng tôi.
Có mấy mùa Hè, Cô bạn hồi nhỏ của tôi ở Phan Thiết, Túy, tới nhà tôi chơi ở vùng phụ cận Paris, chúng tôi đã bày ra làm những món đặc sản của Phan Thiết : Cá nục kho ăn với bún, rau thơm trồng trong vườn, tuơi xanh vì mới bứt. Vừa xong một bữa ăn là đã tính tới bữa kế tiếp sẽ nấu món gì trong số các món ở Phan Thiết …!"
- “Ngày mai nấu Mì Quảng nhé, tối nay thì món vịt hầm măng ...".
Rồi chè chuối, bánh khoai mì, bánh da lợn ...
Rồi sau đó hai người cùng la hoảng :
- " Chết rồi ! Mình lên cân !".
Làm sao mà vừa thưởng thức các món đặc biệt của Phan Thiết mà khỏi phải lên cân ?
Trước nhà tôi là một cây cột đèn điện, ánh sáng lan vào vườn Hồng, tỏa sáng trên bàn ăn đặt ngoài trời, cạnh những khóm Hồng đại đóa thơm ngát. Hai Chị Em ngồi vào bàn, ăn những món Phan Thiết và nhắc lại hoài những kỷ niệm thơ ấu ở Phan Thiết. Đã có quá đủ điều kiện cần thiết để gợi lại giấc mơ xưa… Chúng mình đã hẹn nhau rồi, sẽ về Phan Thiết để đi tắm biển, ngồi dưới cây cột đèn đường Nhà Thương, ăn lại Bánh Căng... để những giấc mơ đã qua sống lại, trong ngày nay, qua ngày mai...
Ngày hôm nay, ngồi trong khu vườn Hồng quanh căn nhà của tôi vùng phụ cận Paris, Tôi đã tự tay trồng hoa, trồng cây, làm vườn và săn sóc tưới bón vườn mỗi ngày, các con tôi quanh quẩn bên cạnh. Tôi đã có trong tay một mái ấm gia đình sau nhiều năm làm lụng phấn đấu trong xã hội phương Tây này, nhưng sao lòng Tôi vẫn hướng về những kỷ niệm với Bà và với Cô bạn hồi nhỏ: Thu.
Tất cả đã xa, nhưng tất cả vẫn sống động và rõ nét những lần tôi ngồi nhớ lại quá khứ... Những kỹ niệm ngày thơ làm rưng rưng nước mắt, nhưng cũng đã làm ấm lòng người xa Quê hương, xa Phan Thiết, xa Huế.
Tôi tự nhủ : Rồi sẽ về thăm Huế, thăm Thu, thăm Mộ Bà, thăm Phan Thiết... để những giấc mơ đã qua sẽ sống lại...
Hồng Cúc
Monday, September 7, 2015
Aylan Kurdi ơi: Em đã chết cho mọi người được sống! / Nam Lộc
Hình ảnh của em bé thuyền nhân tỵ nạn Syrian 3 tuổi tên là Aylan Kurdi nằm gục mặt chết trên bãi cát khi xác của em trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ tuần qua đã làm thức tỉnh lương tâm nhân loại trong lúc các con đường dẫn những người phải bỏ nước ra đi vì chế độ độc tài và diệt chủng để tìm đến một nơi an toàn tại các quốc gia Âu Châu lánh nạn đã bị chặn lại và cánh cửa nhân đạo hầu như đều khép kín.
Aylan đã chết đuối cùng với người anh lớn hơn em 2 tuổi và người mẹ của mình cùng hàng chục người khác khi chiếc xuồng của họ bị chìm đắm trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Hoàn cảnh của hàng trăm ngàn người tỵ nạn từ các nước Iraq, Afghanistan và đặc biệt là từ Syria tràn vào Âu Châu bằng đường bộ hay bằng đường thuyền cùng với sự xua đuổi của những người lính Hung Gia Lợi trong tuần qua đã gợi lại cho đồng bào tỵ nạn Việt Nam chúng ta cơn ác mộng vượt biên 30 năm về trước. Âm thanh của bài hát Xác Em Nay Ở Phương Nào hoặc câu “tự do ơi, tự do, em đổi bằng thân xác…” bỗng dưng vọng lại bên tai như những Lời Kinh Đêm quen thuộc mà thuyền nhân đã cầu nguyện thuở nào! Thì ra người Việt chúng ta đã trải qua những nỗi gian truân đó từ lâu, khủng khiếp hơn, khổ đau hơn và bất hạnh hơn. Chỉ khác là vào thời điểm đó phương tiện truyền thông chưa phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay để thế giới biết rằng có đến gần nửa triệu người VN đã chết trên biển Đông như số phận cùng hoàn cảnh của cậu bé Aylan.
Nhưng cũng chính vì sự tiến bộ kỹ thuật bây giờ mà hình ảnh của cậu bé Aylan chết tức tưởi, oan khiên trên biển cả, đã như một phép lạ từ từ mở rộng những cánh cửa đã bị loài người ích kỷ khóa lại từ suốt gần một tuần qua. Chính phủ Hung Gia Lợi đã phải làm những hành động tối thiểu, dù không tiếp nhận, nhưng cũng đã cung cấp xe bus để đưa người tỵ nạn đến biên giới của những quốc gia nhân đạo hơn, Phần Lan đã mở rộng cánh tay, Đức đã quyết định tiếp nhận và sẵn sàng cung cấp công ăn, việc làm cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn, sau đó là Áo, Anh, Bỉ, Pháp v..v.. và dĩ nhiên là cả Hoa Kỳ, đất nước được xem là có một trách nhiệm lớn trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, đặc biệt là chính sách bị nhiều người chỉ trích là “bất nhất” của chính phủ Obama từ suốt 3 năm qua về vấn đề Syria cùng nhà lãnh đạo độc tài và tham quyền, cố vị: Bashar ai-Assad.
Nhưng tình hình đã có phần nào thay đổi theo chiều hướng tích cực trong mấy ngày qua, phải chăng nỗi bất hạnh của Aylan Kurdi cùng gia đình em đã được đổi lại bằng sự may mắn và hạnh phúc của hàng trăm ngàn nạn nhân của bọn độc tài, khủng bố đã quyết định vượt biên và có thể cũng sẽ là niềm hy vọng cho hàng triệu người khác đang sống nhục nhằn trong các trại tỵ nạn ở Lebanese, tại Thổ Nhĩ Kỳ hay ngay tại đất nước Syria hiện nay? Các nhà lãnh đạo ở trên thế giới kể cả tay cựu trùm KGB, Vladimir Putin, đang là tổng thống nước Nga dù cứng đầu đến đâu cũng phải quyết định ngồi xuống để tìm ra một giải pháp hầu giải quyết cơn khủng hoảng trầm trọng này hầu cho người dân Syria có một cuộc sống ổn định ngay trên quê hương của họ thay vì phải mang đời lưu vong. Và nếu đúng như vậy thì Aylan Kurdi ơi, em đã chết cho mọi người được sống!
Nhìn hình ảnh bé Aylan nằm chết như mơ, như thiên thần đang gục đầu ngủ yên trên bãi cát, nó cũng thảm thương như thân phận của những đứa trẻ VN bất hạnh thuở nào, lòng tôi trùng xuống một nỗi buồn vô hạn. Trước đó một tuần, khi xem được đoạn phim chiếu cảnh người đàn ông Syrian gò lưng đi bán từng cây bút nắp xanh để kiếm được miếng ăn cho đứa con gái nằm ngủ trên vai trong cơn nóng thiêu đốt trên đường phố ở Beirut, bỗng dưng tôi nhớ lại tình cảnh của hơn 2000 “Người Việt Còn Lại” ở Phi Luật Tân vào những năm đầu thập niên 2000, những người đã bị thế giới lãng quên qua gần 20 năm trời khổ hạnh với mẩu “căn cước” được đóng dấu là dân “vô tổ quốc" (Stateless)! Và ở đó, tôi cũng đã thấy hình ảnh người đàn ông tỵ nạn VN cõng trên vai đứa con gái chưa đầy 2 tuổi trong cơn nóng thiêu đốt ở Palawan để bán từng đôi dép cho những người dân làng hầu may ra mua được cho con mình một khúc bánh mì hay một bình sữa lạnh!
Tiếng reo của chuông điện thoại làm tôi tỉnh lại, sờ lên mắt, không biết là mình đã khóc từ lúc nào, và tự nhủ lòng, có lẽ mình sẽ phải làm một điều gì để cùng đồng hương chúng ta xoa dịu được một phần nào vết thương đang nhỏ máu của nhân loại dù chỉ là một điều nhỏ nhoi như hạt cát trong sa mạc.
Bên kia đầu gây là giọng nói của một người bạn trẻ tên là James ở Toronto, Canada, em ngỏ ý muốn mời tôi làm MC cho một buổi “sinh hoạt” tại đây, sau khi thỏa thuận thù lao xong, tôi hỏi em về nội dung chương trình, lúc đó James mới cho biết mục đích của ngày sinh hoạt này là để phát động chiến dịch gây quỹ cho dự án có tên là “Lifeline Syria Project” ngõ hầu tìm phương tiện để bảo trợ cho các gia đình người tỵ nạn Syrian đang phải đối phó với những nỗi khốn cùng trên đường tìm tự do! Lòng tôi chợt bùng sáng lên như một kẻ đang đói khát được người ta ban phát cho một khúc bánh mì cùng ly nước lạnh! Tôi hân hoan nói với James, em ơi, tôi sẵn sàng nhận lời tham dự và xin phép cho tôi được đóng góp toàn bộ số tiền thù lao của tôi vào buổi gây quỹ trong ngày hôm đó để tiếp tay với ban tổ chức. James thoạt đầu hơi ngạc nhiên và ngần ngại, nhưng sau đôi lời trao đổi em đã hiểu lòng tôi và vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên khi James đề cập đến thời điểm của buổi tổ chức sẽ rơi vào một ngày cuối tuần trong tháng Mười sắp tới thì tôi vô cùng lo lắng và hơi thất vọng, vì lịch trình diễn đã đầy ắp, không còn rảnh một weekend nào trong tháng Mười cả, đấy là chưa kể đến chuyến đi Úc Châu kéo dài hơn một tuần lễ vào giữa tháng Mười, 2015! Nhưng khi mở lịch ra xem, thì tôi thấy còn trống một ngày Thứ Bẩy duy nhất đó là October 3rd, nhưng đã dự định mua vé để bay sang Washington DC cho một event khác diễn ra vào buổi trưa Chủ Nhật October 4th. Và như một “phép lạ”, James cho tôi biết, vì tính cách cấp bách của sự việc cho nên BTC đã quyết định tổ chức vào ngày Thứ Bẩy mùng 3 tháng Mười, 2015. Nghe em nói lòng tôi như mở hội, như vậy thì xem như “giấc mơ” ấp ủ “được làm một điều gì để cùng đồng hương chúng ta xoa dịu phần nào vết thương đang nhỏ máu của nhân loại” đã thành sự thật. Hai anh em chúng tôi cùng vui, và sau khi James email cho tôi thêm chi tiết cùng tấm ảnh chúng tôi chụp chung với nhau trong lần tiếp đón và bảo trợ những người Việt tỵ nạn cuối cùng từ Thái Lan đến Vancouver vài tháng trước đây, tôi mới biết đó là James Nguyễn, cựu chủ tịch Hội Người Việt Toronto, và buổi gây quỹ lần này sẽ phối hợp cùng tổ chức VOICE Canada và một số cơ quan, đoàn thể người Việt tại đất nươc giầu lòng nhân đạo này. VOICE Canada cũng không xa lạ gì với tôi, vì ngoài nỗ lực tranh đấu, vận động cũng như định cư những người Việt tỵ nạn muộn màng, vào tháng Tư 2015 vừa qua, họ còn gây quỹ được $100 ngàn dollars đễ tiếp tay cho Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH và Quả Phụ Tử Sĩ do bà Hạnh Nhơn làm chủ tịch.
James Nguyễn cựu chủ tịch và cô Lê Hoa Lương
cựu phó chủ tịch Hội Người Việt Toronto, Canada
Tôi tin rằng điều may mắn được góp mặt cùng “Lifeline Syria Project” lần này là do sự sắp đặt của Thượng Đế như một “ơn gọi” của Bề Trên, của Trời Phật dù lời cầu xin của tôi chỉ mới là những tiếng nhủ thầm trong bụng. Tôi đem chuyện này chia sẻ với các gia đình tỵ nạn VN từ Palawan, Phi Luật Tân, những người cũng đã từng bị thế giời lãng quên. Họ đang tổ chức ngày “Tri Ân và Hội Ngộ” để kỷ niệm 10 năm định cư, đồng thời để cảm tạ những người đã giúp họ được làm lại cuộc đời nơi đất khách. Trong đêm họp mặt gọi là “tiền hội ngộ”, Thứ Bẩy mùng 5 tháng Chín, 2015 vừa qua, sau khi nghe tôi trình bầy có người đã rơi nước mắt, hồi tưởng lại thân phận mình và so sánh với hoàn cảnh của người tỵ nạn Syrian cùng thân xác của vị “Thánh Tý Hon” tên là Aylan Kurdi, đã hy sinh cuộc đời để cho đồng bào mình được cứu sống! Và kết quả là trong đêm họp mặt ngày hôm sau, mùng 6 tháng 9, trước sự hiện diện của các quan khách cùng ân nhân Việt, Mỹ và đặc biệt là đại diện của chính phủ Phi Luật Tân, quốc gia duy nhất đã không trục xuất thuyền nhân VN. Luật Sư Trịnh Hội đã đại diện các gia đình tỵ nạn VN từ Palawan chính thức loan báo rằng những thuyền nhân người Việt muộn màng này sẽ bảo lãnh 4 gia đình người tỵ nạn Syrian, và họ nhờ tôi liên lạc với các cơ quan thiện nguyện để bắt đầu thủ tục định cư tại thành phố Houston. Anh Trung Đình Nguyễn, trưởng ban tổ chức đã cho các ân nhân và quan khách Việt, Mỹ cũng như Phi Luật Tân hiện diện trong ngày hôm đó biết rằng: “Cách duy nhất mà chúng tôi có thể làm được bây giờ để trả ơn quý vị là đưa tay ra để cứu giúp những người bất hạnh khác, như quý vị đã cứu giúp chúng tôi”! Thật là một hành động dấn thân mang đầy ý nghĩa.
Nhân đây chúng tôi cũng xin cám ơn quý vị đồng hương ở khắp mọi nơi đã đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi để đóng góp vào quỹ “Thank You America” của cơ quan thiện nguyện USCC hầu giúp đỡ và tiếp tay cho tổ chức đã từng bảo trợ chúng ta để định cư những người tỵ nạn Syrian bất hạnh nói trên. Tính đến cuối Tháng Bẩy, 2015, sau 4 tháng phát động, hội USCCLA cho biết là họ đã nhận được khoảng 60 ngàn dollars từ cộng đồng người Việt, và cơ quan này cũng đã gởi thơ cám ơn đến từng quý vị ân nhân đã đóng góp.
Qua nghĩa cử cao đẹp trước hết là của “Lifeline Syrian Project” ở Toronto, Canada, theo sau là anh chị em trong nhóm “Người Việt Còn Lại” tại Houston, Texas, chúng tôi mong mỏi sẽ có những tổ chức hoặc các hội đoàn hay cá nhân ở những địa phương khác cũng sẽ tiếp tay đóng góp, đón nhận hoặc bảo trợ các gia đình tỵ nạn đang sống vất vưởng tại các trại tỵ nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu muốn tìm hiểu thêm chi tiết hoặc tin tức, xin quý cứ email về địa chỉ của chúng tôi là: namloc@sbtn.tv
Subscribe to:
Posts (Atom)